THI NHÂN VIỆT NAM - Trang 282

chính là cái hạt cơ bản tạo nên cái đẹp cần giữ gìn, trân trọng trong “thơ mới”. Thái độ mãn nguyện, sự
lạnh nhạt, sự hững hờ trong cuộc sống là kẻ thù của sự sáng tạo nghệ thuật. Có đau đời mới nảy ra khát
vọng đổi đời. Rõ ràng là trong “thơ mới” đã thấy thấp thoáng ngọn lửa của khát vọng đối đời. “Thơ
mới” và các nhà “thơ mới” là sản phẩm tất yếu của lịch sử, của giai cấp, của thời đại. Đừng đòi hỏi
thơ của họ phải sáng chói như mặt trời hoặc sáng rực như ngọn đèn pha chiếu rõ đường phải đi, nơi
phải đến. Họ bị giam hãm trong một môi trường thiếu năng lượng, thiếu chất đốt của lòng tin làm sao
thơ họ có đủ chất sáng? Điều đáng quý là trong “thơ mới” đã lập lòe “ngọn lửa Đan cô” trên thảo
nguyên mịt mùng của cuộc đời: ngọn lửa của tình yêu người, yêu non sông đất nước, yêu tiếng mẹ đẻ...

Cuối chặng đường của “thơ mới” ngày một hiện rõ sự bế tắc mà mầm sống của nó đã chứa sẵn từ

chặng đường đầu tiên: sự buồn nản, thất vọng. Song, khi xem xét sự bế tắc này theo tôi, rất nên và rất
cần nhìn thấy bên dưới, phía sau tấm chắn ấy là sự quằn quại, đau đớn của những tâm hồn, những con
người bé nhỏ, cô đơn.

Đường về thu trước xa xăm lắm

Mà kẻ đi về chỉ một tôi!

Chế Lan Viên

Đi vào thế giới “thơ mới” có lẽ không nên đi theo kiểu tham quan tập thể ồn ào: thấy thắng cảnh đấy,

di tích lịch sử đấy, nghe thuyết minh biết vậy rồi lại ào lên xe đi nơi khác. Thấy tất cả, thậm chí đã sờ
vào di tích, đã chụp ảnh với nó, khắc tên mình vào nó mà rốt cuộc chẳng hiểu gì về nó cả.

Đọc “thơ mới” nếu không cảm nhận được cái hồn của nhà thơ “tràn ra đầu ngọn bút”, không thấy các

nhà thơ đã:

Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh

Hàn Mặc Tử

thì chi bằng chưa nên đọc hoặc phải đọc kỹ hơn, đọc bằng chính trái tim của mình rồi hãy truyền các

thông tin cảm nhận lên óc, để cho óc đoán định, xử lý sau.

Cái đau đời, cái bế tắc của “thơ mới” là ánh phản chiếu cái bể khổ bế tắc của xã hội cũ, là bóng

hình, là tiếng kêu than về thân phận con người của các nhà thơ. Về mặt nào đó có thể nói: hầu như thân
phận của các nhà “thơ mới”, của tác giả Thi nhân Việt Nam trong cuộc đời cũ na ná như thân phận
nàng Kiều:

Những là rày ước mai ao

để rồi sau bao năm chìm nổi trong vũng bùn xã hội nhơ nhớp phải cất lên tiếng than đau đớn:

Đã buồn cả ruột lại dơ cả đời!

Trong dịp học tập bảo vệ Đảng tháng 5 - 1970 cha tôi có tự nhận xét về quãng đời thanh niên của

mình: Trong tuổi thanh niên, tôi không phải không cảm thấy cái nhục làm nô lệ cho giặc ngoại xâm, tôi
cũng muốn cất đầu lên. Bị giặc đạp đầu xuống, tôi mất tinh thần nhưng vẫn chưa chịu cúi đầu hẳn. Tôi
vẫn muốn cất đầu lên, thấp hơn lần trước một ít. Nhưng cứ mỗi lần cố cất đầu lên thì lại bị chúng nó

đạp xuống sâu thêm một tầng nữa. Và cứ thế cho đến lúc tôi không còn đủ sức cất đầu lên nữa”.

[156]

Đấy là bi kịch của Hoài Thanh và có lẽ cũng mang tính bi kịch chung của thế hệ các nhà “thơ mới”.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.