Cha tôi và Hoài Chân (em ruột ông) bắt tay vào biên soạn Thi nhân Việt Nam lúc tôi mới được
năm, sáu tuổi. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua cùng với bao sóng gió của cuộc đời... Bấy giờ gia đình
chúng tôi sống ở Huế. Cha mẹ tôi thuê một căn nhà xoàng xĩnh ở ngã tư “gara Nghẹt”, phía gần trường
Thuận Hóa. Giáp tường với cán nhà tôi ở là nhà một ông thợ rèn. Suốt ngày dội sang bên nhà tôi là
tiếng đập, gõ chát chúa và tiếng thụt bễ lò rèn phập phù. Cha tôi viết Thi nhân Việt Nam trong luồng
âm thanh nhọc nhằn ấy, nhất là vào những ngày hè oi ả của xứ Huế. Cha mẹ tôi kể lại: năm ấy (1941)
gia đình tôi sống hết sức lao đao. Nguồn sống chính của gia đình (gồm ông tôi, mấy người em của cha
tôi, cha mẹ và 3 con) trông cậy vào đồng lương dạy tư của cha tôi. Vậy mà vào năm đó, chính quyền
thực dân cấm cha tôi đi dạy. Lấy gì mà sống? Mẹ tôi phải mở quán sách, cha tôi chạy vạy xin đi dạy
lại. Nửa năm sau chúng mới cho cha tôi tiếp tục dạy ở trường Thuận Hóa.
Nỗi đời cơ cực đang giơ vuốt
Cơm áo không đùa với khách thơ.
Xuân Diệu
Đọc Thi nhân Việt Nam ta thường thấy các nhà thơ và tác giả như đắm chìm trong mơ mộng vẩn vơ
và có cảm giác hình như họ là những người sống sung sướng, đầy đủ và nhàn rỗi. Đó là thế giới thơ
của họ. Thật ra, ở đời thường trong số họ không ít người đang đắm chìm hoặc sắp đắm chìm thực sự vì
manh áo, miếng cơm. Họ là tư sản, là “phú hào” ở đâu trong đầu óc, trong sách vở Tây mà họ vớ để
đọc chứ dưới ánh mặt trời họ tồn tại trong dáng hình đầy đủ của con người lao động làm thuê:
Chóng hết trang máu lẫn mồ hồi
Từng dòng đánh đổi lấy ngô khoai
Giữa khi ông chủ buôn văn ấy
Tiệc rượu lầu cao ngả ngôn cười.
Trần Huyền Trân
[155]
Họ khát khao, mơ ước nhiều. Những khát khao tội nghiệp thôi mà cũng chẳng được. Có lẽ vì vậy mà
họ cố đưa hồn mình đến những cõi huyền ảo hoặc cố tạo ra những mơ mộng để tự huyễn mình:
Tôi chỉ là người mơ ước thôi,
Là người mơ ước hão! Than ôi!
Bình minh chói lói đâu đâu ấy
Còn chốn lòng riêng u ám hoài.
Thế Lữ
Họ ao ước:
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối,
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm
Xuân Diệu
Nói về “thơ mới”, Xuân Diệu thường nhắc đến hai chữ đau đời. Đau vì nỗi đời vất vả. Đau vì kiếp
làm dân một nước nô lệ. Đau vì tủi nhục, nghèo hèn cứ gắn hoài với thân phận. Theo tôi, nỗi đau đời