Thiền Tông Vĩnh Gia Tập
9
6 – Nêu lại quán thể : Chỉ biết nhất niệm tức không
bất không, phi hữu phi vô, chẳng biết tức niệm, tức
không bất không, phi-phi-hữu phi-phi-vô.
7 – Nói về thị phi : Tâm chẳng phải hữu, tâm chẳng
phải vô, tâm chẳng phải phi hữu, tâm chẳng phải
phi vô. Là hữu là vô tức là sa vào thị; phi hữu phi vô
tức là rơi vào phi. Như vậy, chỉ là cái phi (sai) của
thị và phi, chưa phải là cái thị (phải) của phi thị và
phi phi. Nay dùng hai cái phi để phá hai cái thị, thị
phá phi thị vẫn còn là phi. Lại dùng hai cái phi để
phá hai cái phi, phi phá phi phi tức là thị. Như vậy,
chỉ là cái thị của phi thị và phi phi, chưa phải là bất
phi bất bất phi, bất thị bất bất thị. Cái lầm về thị phi
nhỏ nhiệm rất khó thấy, phải để tinh thần sáng suốt,
tư lự lặng yên hầu nghiên cứu kỹ lưỡng.
8 – Chọn lựa thuyên chỉ (Thuyên tức là năng
thuyên, Chỉ tức là sở thuyên.): Nhưng mà chí lý thì
không lời, mượn văn ngôn để nói về ý chỉ của lý. Ý
chỉ và tông thú chẳng phải là quán, nhờ tu quán để
hội được tông thú. Nếu ý chỉ chưa minh thì lời chưa
đúng; nếu tông thú chưa hội thì quán chưa sâu.
Quán sâu mới hội được tông thú, lời đúng mới rõ
được ý chỉ. Ý chỉ và tông thú đã hiểu rõ rồi thì lời
nói và quán đâu còn tồn tại nữa.
9 – Chạm cảnh thành quán : Phàm diễn lại ngôn từ,
nêu lại quán thể là muốn nói về tông thú và ý chỉ
không khác. Lời nói và quán tùy nơi mà dời đổi. Đổi
lời thì ngôn và lý không sai, đổi quán thì quán và ý
chỉ không khác. Ý chỉ không khác tức là lý, lý không
sai tức là tông. Tông thú và ý chỉ là một nhưng hai
tên, mà lời nói và quán là phương tiện dẫn dắt.
10 – Khéo hợp với nguồn huyền : Phàm người ngộ
tâm đâu chấp quán mà mê ý chỉ, người đạt giáo há
trệ lời mà lầm lý. Lý tỏ thì đường ngôn ngữ dứt, lời
nào có thể nói bàn. Ý chỉ hội thì chỗ tâm hành diệt,
quán nào có thể nghĩ ngợi. Tâm ngôn chẳng thể
nghĩ bàn, thật đáng là “diệu khế hoàn trung” vậy.
D
CHƯƠNG VII: CẤP BẬC LẦN LƯỢT CỦA
BA THỪA
Phàm đại đạo mầu nhiệm thì vi tế sâu xa, lý bặt sự
biểu hiện của danh tướng. Chí chân rỗng rang vắng
lặng, lượng vượt ra ngoài các số, mà có thể khởi
lòng từ vô duyên tùy cơ cảm ứng. Chỉ thú bất nhị
tùy theo căn tánh để phân chia. Thuận vật quên
mình nên làm mà không làm, suốt ngày dạy bảo mà
chẳng khác gì không nói, lập giáo nhiều đường mà
chẳng trái một đạo. Vì vậy, Đại thánh từ bi ứng cơ
lợi vật, gom về chỗ sâu kín thì muôn kinh chẳng
khác. Hàng trung hạ quán tứ đế, thập nhị nhân
duyên mà tự thành Tiểu, bậc cao thượng tu lục độ
mà thành Đại.
Do đó, hạng ngu mê không thể tự hiểu, hoặc nhân
nghe nói mà ngộ giải nên hiệu là Thanh văn,
nguyên vì chỗ tu lấy tứ đế làm bản hạnh. Quán vô
thường mà sanh sợ, nghĩ không tịch để cầu an, sợ
luân hồi trong lục đạo, ghét sanh tử của tam giới.
Thấy khổ thường ôm lòng chán lìa, dứt tập hằng sợ
nó sanh, chứng diệt riêng khế hợp với vô vi, tu đạo
chỉ luận đến tự độ. Tâm đại thệ chưa khắp, đạo
nhiếp hóa không thực hành. Lục hòa kính (Lục hòa
kính: 1. Đồng giới hòa kính 2. Đồng kiến hòa kính 3.
Đồng hạnh hòa kính 4. Thân từ hòa kính 5. Khẩu từ
hòa kính 6. Ý từ hòa kính)rỗng không, lòng thương
ba cõi chẳng vận dụng, nhân trái vạn hạnh, quả
thiếu viên thường, lục độ chưa tu, chẳng phải Tiểu
thừa thì là gì ? Đó là đạo Thanh văn vậy.
Hoặc có người chẳng nhân người khác nói mà tự
ngộ vô thường, ngẫu nhiên duyên tán mà thể hội
được chân lý nên gọi đó là Duyên giác. Nguyên chỗ
tu tập của các Ngài lấy thập nhị nhân duyên làm
bản hạnh. Quán vô minh tức màø không, đạt các
hành mà vô tác. Hai nhân (Hai nhân : vô minh và
hành) đã chẳng phải nghiệp thì năm qua (Năm quả :
thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ.)đâu còn báo.
Ái thủ hữu không còn tỳ vết thì lão tử cũng đâu còn
ràng buộc, nên có thể tức thì một mình giải thoát. Ở
yên chỗ vắng vẻ yên lặng quán vạn vật biến hóa
mà ngộ lý vô thường, thấy thu tàn mà vào chân đạo.
Bốn oai nghi nghiêm nghị, nhiếp tâm lự để an vui,
tánh thích ở một mình, ưa nghĩ ngơi nơi rừng vắng.
Chẳng ưa thuyết pháp, chỉ hiện sức thần thông để
hóa độ người. Vào lúc không có Phật xuất thế, các
Ngài làm ngọn lửa tiếp nối Phật đăng. Thân chỉ ưa
vắng lặng, ý thích trong sạch rỗng rang, ở một mình
trên đỉnh núi hoang liêu quán các duyên tan mất.
Chẳng làm lợi ích khắp cho mọi người, tự lợi cũng
chưa viên mãn. Đối với bậc hạ thì có phần hơn,
còn so với bậc thượng thì chưa đủ, cả hai đều
chẳng phải phẩm loại của các Ngài, mà địa vị ở
Trung thừa, đấy là đạo Bích Chi Phật vậy.
Như người căn tánh vốn sáng, công đức chứa
nhóm nhiều đời, học chẳng bác thiệp mà vẫn tự
sanh được sự hiểu biết. Tâm không duyên bất cứ
chỗ nào mà hay lợi vật; từ bi rất lớn, chẳng bị ái
kiến câu thúc, suốt ngày cứu độ chúng sanh chẳng
thấy có chúng sanh được độ. Nhất và dị đều đồng
diệu chỉ, giải và hoặc đồng nguyên, nhân và pháp
đều không, cho nên gọi là Bồ-tát. Nguyên vì hạnh
tu của các ngài lấy lục độ làm chánh nhân. Thực
hành bố thí thì bỏ thân hết của; trì giới thì kiết-la
(giới nhỏ) cũng không phạm; nhẫn nhục thì thấu rõ
vô ngã, cắt thân nào hại gì, an nhẫn sự khen chê
bát phong chẳng động; tinh tấn thì siêng năng cầu
pháp chí đạo như cứu lửa cháy đầu, sự tu hành và
giáo hóa người trong khoảng sát-na cũng không
gián đoạn; thiền-na thì thân tâm yên lặng, an ban
(An ban : Pháp sổ tức) vi tế, ở trong tịch định để tự
nuôi thân, dùng bốn oai nghi để lợi vật; trí tuệ thì rõ
biết duyên khởi tự tánh vô sanh, muôn pháp đều
Như, nguồn tâm vắng lặng. Tuy biết phiền não