Thiền Tông Vĩnh Gia Tập
10
không thể xả bỏ, Bồ-đề không thể nắm lấy mà có
thể chẳng chứng vô vi, độ chúng sanh trong nhiều
kiếp, rộng tu vạn hạnh, bình đẳng quan sát các loài,
dưới đến tứ đế, thập nhị nhân duyên, trên gồm cả
pháp bất cộng. Tâm đại thệ trùm khắp, đạo tứ
nhiếp gồm thâu, lấy ba cõi làm nhà, bốn loài sanh
làm con. Vận dụng hai thứ bi trí, hai thứ phước tuệ
trang nghiêm siêu việt Nhị thừa, riêng ở bậc
thượng, đó là đạo Đại thừa vậy.
Vì vậy, lý nhất chân theo căn tánh mà có thứ bậc
sai khác, như được sự lợi ích tùy cơ nên nói đủ cả
ba thừa. Nhưng mà chí lý hư huyền cùng tận đến
chỗ vi diệu thì một còn chẳng có, huống là nói đến
ba. Ba mà chẳng ba nên nói là ba, một mà chẳng
một nên nói là một. Chẳng phải ba mà một, ba còn
chẳng ba thì một mà ba, một cũng đâu có một. Một
chẳng một tự chẳng phải ba, ba chẳng ba tự chẳng
phải một. Chẳng phải một, một chẳng phải thì ba
không còn. Chẳng phải ba, ba chẳng phải thì một
chẳng lập. Một chẳng lập vốn chẳng phải ba, ba
không còn vốn không có một. Một ba vốn không,
cái không này cũng không, cái không không đó
không có gốc nên diệu tuyệt. Như vậy thì một đâu
bị phân, ba đâu được hợp, hợp phân là từ nơi
người vậy, lý nào có khác với lời ư ! Ví như có ba
con thú qua sông, con sông vốn một, đâu có vì ba
con thú mà hợp. Lại đâu riêng gì con sông chẳng
phải vì thú mà hợp, mà thú cũng chẳng phải do
sông mà phân. Sông còn chẳng thành ba con sông,
đâu được lấy sông để hợp ba con thú. Thú còn
chẳng thành một con thú, há được lấy thú mà thành
sông. Sông chẳng phải thú nên đâu thể ba, thú
chẳng phải sông nên đâu thể một. Chỉ một con
sông bao cả ba con thú mà sông chưa từng ba, ba
con thú qua một con sông mà thú chưa từng một.
Thú chẳng phải một con để biết chân của chúng có
ngắn dài, sông chẳng phải ba đểå rõ nước kia
không có sâu cạn. Nước không có sâu cạn ví như
pháp không có sai khác, chân có dài ngắn là dụ cho
trí của mỗi bậc có sáng tối khác nhau. Như vậy
pháp vốn không có ba mà người tự có ba hạng vậy.
Nay đây điểm khởi đầu của ba thừa thì tứ đế được
nêu lên trước hết. Pháp vốn đã không có sai khác,
thì tứ đế cũng đâu chẳng phải đại, mà nói rằng
hàng Thanh văn quán nó địa vị lại ở bậc tiểu. Thế
mới biết tứ đế tợ như sông, người ví như thú.
Hàng Thanh văn kém nhất dụ như thỏ tuy lội qua
sông mà chân không đến đáy, nên chưa có thể biết
được chỗ sâu tột, địa vị các Ngài còn ở bậc thấp,
đâu phải tất cả những người quán tứ đế đều thành
tiểu. Như người trí chiếu cao minh, lượng bằng voi
lớn thì có thể đến cùng nguồn tận mé, hiển nhiên
thành đại, cho nên biết kẻ hạ trí quán thì được quả
Thanh văn, người trung trí quán thì được quả
Duyên giác, bậc thượng trí quán thì được quả Bồ-
tát. Biết tông rõ ràng há cho toan tính ư !
Vì thế Thanh văn thấy khổ mà dứt tập, Duyên giác
ngộ tập tan rã mà quán ly, Bồ-tát thấu rõ nguồn
chân biết tập vốn không hòa hợp. Ba người cùng
quán tứ đế nhưng chứng quả có khác nhau, bởi do
quán có cạn sâu, đối chiếu hẳn có cao thấp. Vì vậy,
hạ thừa tu bậc hạ, chưa tu điều của bậc trung và
thượng, Thượng thừa tu bậc thượng mà gồm tu cả
trung hạ. Bậc trung tu trung hạ, chẳng tu được bậc
thượng. Thượng trung hạ do người, chẳng phải tứ
đế khiến người có đại, tiểu. Nhưng ba thừa dù khác
mà cùng đồng một điểm trọng yếu là thoát khổ.
Thanh văn tuy tiểu, hoặc ái kiến đã trừ nên đối với
ba cõi không còn lo âu, thân phần đoạn diệt vậy. Ba
minh (Ba minh : Túc mạng minh, Thiên nhãn minh,
Lậu tận minh.) chiếu sáng tỏ tường nên việc trong
tám vạn kiếp hiện tiền, sáu thông (Sáu thông :
Thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, túc mạng thông,
tha tâm thông, thần túc thông, lậu tận thông.) mặc ý
vô vi nên có thể đi xuyên qua vách núi. Có lúc đi
đứng trên không hoặc an nhiên ngồi nằm, đi trên
nước nhẹ như lông hồng, bước trên đất như đi trên
nước, công năng cửu định đầy đủ, mười tám thứ
biến hóa tùy tâm. Nhưng trong ba tạng nói Phật là
nhìn trên địa vị sáu căn thanh tịnh, nên có bằng có
kém, chỗ bằng là cùng trừ tứ trụ, (Tứ trụ : Kiến nhất
thiết trụ địa, Dục ái trụ địa, Sắc ái trụ địa, Hữu ái trụ
địa.) nếu hàng phục vô minh, ba tạng là kém, Phật
còn là kém, Nhị thừa khá biết. Nhìn lên đoạn và
phục tuy khác, ở dưới có sự cách biệt ngộ và mê.
Như vậy, Nhị thừa có lỗi gì mà chẳng muốn tu !
Đức Như Lai vì đối với hàng đại căn muốn dẫn họ
về bảo sơ,û khiến tu chủng trí đồng khế hợp với
chữ y (...) viên mãn, đương thời hoặc có khen hay
chê, đề cao hay hạ thấp. Hạng phàm phu chẳng
biết, rồi lại sợ bị quở, nhưng họ đâu biết mình ái
kiến hãy còn nên còn cách hàng Nhị thừa xa lắm.
Tuy cũng nói đến tu đạo nhưng các hoặc sử chưa
bỏ, chẳng những thân và miệng chưa đoan chánh
cũng là do tâm siểm khúc. Kiến sanh từ nơi ý nên
giải trái với chân thuyên, chẳng y theo Thánh giáo,
chưa từng học hỏi bậc minh sư. Căn duyên chẳng
phải chỉ huân tập từ đời trước, kiến giải chưa dự
vào hàng sanh tri, mà có khả năng thế trí biện
thông đàm luận suốt ngày, có lúc lấy lời trong kinh
bẻ cong theo cái hiểu của mình, luông tuồng nói
bậy để dối kẻ ngu, bài bác nhân quả tội phước.
Thuận tình thỏa thích sanh yêu, nghịch ý bực bội
ôm giận, hình trạng của ba thọ còn nguyên mà tự
xưng địa vị đồng hàng Bồ-tát. Các lỗi đã trình bày ở
chương đầu chưa dứt thì chúng hãy còn trói buộc
người. Pháp Đại thừa chưa tu mà dám chê bậc
Tiểu học, nói cho sướng mồm một lúc, cái họa chê
bai đành rành, ba đường khổ luân chịu báo nhiều
kiếp. Ôi ! Thật đáng thương thay ! Nói đến lòng
thêm chua xót.
Nhưng mà người đạt tánh đối cảnh càng thêm soi
chiếu, bậc quên tâm cùng với điều thiện chẳng có
bận lòng, huống chi lỗi lầm sái quấy của ba nghiệp
đâu để trong tâm một điểm trần.Vì vậy bậc đã soi
thấy đạo huyền thì ba thọ (Ba thọ : khổ thọ, lạc thọ,