THIỀN ĐỐN NGỘ - Trang 19

Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn

3

- Kinh Lăng-già nói : “Tâm sanh thì các thứ pháp
sanh, tâm diệt thì các thứ pháp diệt”. Kinh Duy-ma
nói : “Muốn được tịnh độ, phải tịnh tâm ấy, tùy tâm
ấy tịnh là Phật độ tịnh”. Kinh Di Giáo nói : “Chỉ kềm
tâm một chỗ không việc gì chẳng xong”. Kinh nói :
“Thánh nhân cầu tâm chẳng cầu Phật, ngu nhân
cầu Phật chẳng cầu tâm, trí nhân điều tâm chẳng
điều thân, ngu nhân điều thân chẳng điều tâm”.
Kinh Phật Danh nói : “Tội từ tâm sanh lại từ tâm
diệt”. Thế nên biết, tất cả thiện ác đều do tâm mình,
do đó nói tâm là căn bản.

Nếu người cầu giải thoát trước phải biết căn bản.
Nếu chẳng đạt được lý này, luống uổng nhọc công,
từ nơi tướng bên ngoài mà cầu, thật không thể
được. Kinh Thiền Môn nói : “Từ nơi tướng bên
ngoài mà cầu, dù trải qua nhiều kiếp trọn không thể
thành. Từ giác quán (xét soi) bên trong mà tu, bằng
khoảng một niệm liền chứng Bồ-đề”.

- Tu căn bản phải lấy pháp gì để tu ?

- Chỉ tọa thiền, thiền định liền được. Kinh Thiền
Môn nói : “Cầu trí Thánh của Phật, cốt phải thiền
định. Nếu không thiền định, thì niệm tưởng xao
động, phá hoại căn lành kia”.

- Thế nào là thiền ? Sao là định ?

- Vọng niệm chẳng sanh là thiền. Ngồi thấy bản
tánh là định. Bản tánh là tâm vô sanh của ông vậy.
Định là đối cảnh tâm không sanh, tám gió thổi
chẳng động. Tám gió là: lợi (tài lợi), suy (suy hao),
hủy (hủy nhục), dự (đề cao), xưng (khen ngợi), cơ
(chê bai), khổ (đau khổ), lạc (vui vẻ). Nếu người
được định như thế, tuy là phàm phu mà liền vào vị
Phật. Vì sao ? Vì kinh Bồ-tát Giới nói : “Chúng sanh
thọ Phật giới, liền vào ngôi vị chư Phật”. Người
được như thế gọi là giải thoát, cũng gọi đến bờ kia,
hơn lục độ, vượt khỏi tam giới, là Bồ-tát đại lực, là
bậc Tôn vô lượng lực, là đại trượng phu.

*

- Tâm trụ chỗ nào là trụ ?

- Tâm trụ chỗ không trụ là trụ.

- Thế nào là chỗ không trụ ?

- Chẳng trụ tất cả chỗ, ấy là trụ chỗ không trụ.

- Thế nào là chẳng trụ tất cả chỗ ?

- Chẳng trụ tất cả chỗ là : Chẳng trụ nơi lành dữ, có
không, trong ngoài, chặng giữa, chẳng trụ không,
cũng chẳng trụ chẳng không, chẳng trụ định, cũng
chẳng trụ chẳng định, tức là chẳng trụ tất cả chỗ.
Chỉ cái chẳng trụ tất cả chỗ, ấy là chỗ trụ. Người
được như thế, gọi là tâm không trụ. Tâm không trụ
là tâm Phật.

- Tâm ấy giống vật gì ?

- Tâm ấy chẳng phải xanh vàng đỏ trắng, chẳng
phải dài ngắn tới lui, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng
sanh chẳng diệt, yên tịnh thường lặng lẽ. Đó là
hình tướng của bản tâm, cũng là bản thân. Bản
thân là thân Phật.

*

- Thân tâm này lấy cái gì để thấy ? Lấy mắt thấy,
lấy tai, mũi và thân tâm v.v… để thấy chăng ?

- Cái thấy này không phải như các thứ thấy đó.

- Đã không như các thứ thấy đó, là lấy cái gì thấy ?

- Là tự tánh thấy. Vì sao ? Vì tự tánh (tánh của
mình) xưa nay trong sạch yên tịnh không lặng,
chính trong cái thể không lặng ấy hay sanh cái thấy
này.

- Chỉ như thể thanh tịnh còn không thể có, thì cái
thấy này từ đâu mà có ?

- Ví như trong gương sáng tuy không có hình
tượng, mà có thể thấy tất cả hình tượng. Vì sao ?
Vì gương sáng không tâm. Người học đạo nếu tâm
không có chỗ nhiễm, vọng tâm chẳng sanh, tâm
ngã sở (tâm chấp mình và sự vật của mình) diệt, tự
nhiên được thanh tịnh, vì thanh tịnh nên hay sanh
cái thấy này.

Kinh Pháp Cú nói : “Trong cứu cánh không, rõ ràng
dựng lập, ấy là thiện tri thức”.

*

- Kinh Niết-bàn trong phẩm Kim Cang Thân nói :
“Không thể thấy mà thấy rõ ràng, không có biết mà
không chẳng biết” là thế nào ?

- Không thể thấy, vì cái thể của tự tánh không hình
tướng, không thể có, nên nói : “Không thể thấy”.
Song cái thấy không thể được đó, thể nó yên tịnh
lặng lẽ, không có tới lui, chẳng lìa dòng đời, mà
dòng đời không lôi cuốn được nó, thản nhiên tự tại,
tức là thấy rõ ràng.

Không có biết, vì tự tánh không hình, vốn không
phân biệt, nên nói “không có biết”. Không chẳng
biết, vì trong cái thể không phân biệt ấy đầy đủ
hằng sa diệu dụng. Hay phân biệt tất cả, thì không
việc gì chẳng biết, nên nói “không chẳng biết”. Kệ
Bát-nhã nói : “Bát-nhã không biết, không việc gì
chẳng biết; Bát-nhã không thấy, không chỗ nào
chẳng thấy”.

- Kinh nói : “Chẳng thấy có không là chân giải thoát”.
Thế nào là chẳng thấy có không ?

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.