Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn
5
- Thế nào là chánh kiến ?
- Thấy mà không có chỗ thấy là chánh kiến.
- Thế nào thấy mà không có chỗ thấy ?
- Khi thấy tất cả sắc không khởi nhiễm trước.
Không nhiễm trước thì không khởi tâm yêu ghét, ấy
là thấy mà không có chỗ thấy. Nếu khi được thấy
mà không có chỗ thấy gọi là con mắt Phật, trọn
không có con mắt khác. Nếu khi thấy tất cả sắc
khởi yêu ghét, ấy là có chỗ thấy. Có chỗ thấy là con
mắt chúng sanh, trọn không có con mắt khác làm
con mắt chúng sanh, cho đến các căn cũng lại như
thế.
*
- Nói lấy Trí làm Dụng, thế nào là Trí ?
- Biết hai tánh không tức là giải thoát. Biết hai tánh
chẳng không, thì không được giải thoát. Ấy gọi là
Trí, cũng gọi là rõ tà chánh, cũng gọi hiểu Thể
Dụng. Hai tánh không là Thể, biết hai tánh không là
giải thoát. Lại không sanh nghi gọi là Dụng. Nói hai
tánh không là chẳng sanh tâm có không, lành dữ,
yêu ghét vậy.
*
- Môn này từ đâu mà vào ?
- Từ bố thí ba-la-mật mà vào.
- Phật nói sáu pháp ba-la-mật (đến bờ kia hay
được cứu cánh) là hạnh của Bồ-tát, tại sao ở đây
chỉ nói riêng bố thí ba-la-mật thì đâu thể đầy đủ mà
được vào ?
- Người mê không biết năm độ kia (trì giới, nhẫn
nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ) đều nhân bố thí
mà sanh. Chỉ tu bố thí thì sáu pháp đều đầy đủ.
- Bố thí vật gì ?
- Bố thí là bỏ hai tánh.
- Thế nào là hai tánh ?
- Bố thí là bỏ tánh thiện ác, bố thí là bỏ tánh có
không, tánh yêu ghét, tánh không chẳng không,
tánh định chẳng định, tánh tịnh bất tịnh, tất cả đều
cho bỏ hết thì được hai tánh không. Nếu khi được
hai tánh không, cũng chẳng được khởi tưởng hai
tánh không, cũng chẳng được khởi nghĩ tưởng có
bố thí, tức là chân thật hành bố thí ba-la-mật, cũng
gọi là muôn duyên đều bặt. Muôn duyên đều bặt,
tức là tất cả pháp tánh không ấy vậy. Pháp tánh
không là tất cả chỗ không tâm. Nếu khi được tất cả
chỗ không tâm là không có một tướng có thể được.
Vì sao ? Vì tự tánh không, nên không một tướng có
thể được. Không một tướng có thể được là tướng
thật. Tướng thật là tướng Như Lai diệu sắc thân.
Kinh Kim Cang nói : “Lìa tất cả các tướng gọi là
chư Phật”.
- Phật nói sáu ba-la-mật, tại sao nay chỉ nói một,
cho là đầy đủ, xin nói nguyên nhân một gồm đủ sáu
pháp ?
- Kinh Tư Ích nói : “Ngài Võng Minh gọi Phạm thiên
nói : Nếu Bồ-tát bỏ tất cả phiền não gọi là Bố thí ba-
la-mật. Nơi các pháp không có chỗ dính mắc gọi là
Trì giới ba-la-mật. Nơi các pháp không có chỗ xâm
phạm gọi là Nhẫn nhục ba-la-mật. Nơi các pháp lìa
tướng gọi là Tinh tấn ba-la-mật. Nơi các pháp
không có chỗ trụ gọi là Thiền định ba-la-mật. Nơi
các pháp không hý luận (nói trò đùa vô nghĩa) là Trí
tuệ ba-la-mật”. Đó gọi là sáu pháp. Nay nói sáu
pháp này chẳng khác, vì tóm lược pháp thứ nhất là
bỏ, thứ hai là không khởi, thứ ba là không niệm,
thứ tư là lìa tướng, thứ năm là không trụ, thứ sáu là
không hý luận. Sáu pháp như thế, tùy việc phương
tiện tạm đặt tên, chớ đến chỗ diệu lý thì không hai
không khác. Chỉ biết một bỏ thì tất cả đều bỏ,
không khởi thì tất cả đều không khởi. Trên đường
mê lầm không khế hội ắt cho có sai khác. Người
ngu mắc kẹt trong pháp số, nên trôi lăn mãi trong
sanh tử. Bảo cho các người học đạo, chỉ tu pháp
Bố thí là tròn đầy muôn pháp, huống là năm pháp
mà chẳng đủ sao ?
*
- Tam học đẳng dụng, cái gì là tam học ? Thế nào
là đẳng dụng ?
- Tam học là giới định tuệ.
- Nghĩa giới định tuệ thế nào ?
- Thanh tịnh không nhiễm là Giới. Biết tâm chẳng
động, đối cảnh vắng lặng là Định. Khi biết tâm
chẳng động mà chẳng sanh tưởng chẳng động, khi
biết tâm thanh tịnh mà chẳng sanh tưởng thanh tịnh,
cho đến thiện ác đều hay phân biệt, mà ở trong ấy
không nhiễm, được tự tại, ấy gọi là Tuệ.
Nếu khi biết thể của giới định tuệ đều không thể
được, thì không phân biệt, là đồng một thể, ấy gọi
là tam học đẳng dụng.
*
- Nếu khi tâm trụ tịnh, chẳng phải chấp tịnh sao ?
- Khi được trụ tịnh, mà chẳng khởi tưởng trụ tịnh,
ấy là không chấp tịnh.
- Tâm khi trụ không, chẳng phải chấp không
chăng ?