Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn
8
- Tâm có nhiễm tức sắc, tâm không nhiễm tức
không, tâm có nhiễm tức phàm, tâm không nhiễm
tức Thánh. Lại, chân không mà diệu hữu là tức sắc,
sắc không có thật là tức không. Nay nói không là
tánh sắc tự không, chẳng phải sắc diệt mới không.
Nói sắc là tánh không tự có sắc, không phải sắc
hay làm sắc.
*
- Kinh nói : Pháp môn tận (hết) vô tận (không hết) là
thế nào ?
- Vì hai tánh Không nên thấy nghe không sanh là
tận (hết). Tận là các lậu (nguyên nhân sanh tử) hết.
Vô tận là ở trong thể vô sanh đầy đủ hằng sa diệu
dụng, tùy việc ứng hiện thảy đều đầy đủ, mà trong
bản thể cũng không tổn giảm gọi là vô tận. Ấy là
pháp môn tận vô tận vậy.
- Tận cùng vô tận, là một hay khác ?
- Thể là một, nói thì có khác.
- Thể là một tại sao nói có khác ?
- Một là thể của nói, nói là dụng của thể. Vì tùy sự
ứng dụng, nên nói thể đồng mà nói thì khác. Ví như
trên trời có một mặt nhật, dưới đất để các thứ chậu
chứa nước đầy, trong mỗi chậu đều thấy có mặt
nhật. Các mặt nhật trong chậu thảy đều tròn đầy
cùng mặt nhật trên trời không sai biệt, nên nói thể
đồng. Vì tùy chậu đặt tên nên có sai biệt, do đó có
khác. Cho nên bảo thể đồng, nói thì có khác. Các
mặt nhật hiện trong chậu đều tròn đầy, so với mặt
nhật chánh trên trời không có thua kém, nên nói “vô
tận”.
- Kinh nói : “Chẳng sanh chẳng diệt”, pháp gì chẳng
sanh ? Pháp gì chẳng diệt ?
- Pháp ác chẳng sanh, pháp thiện chẳng diệt.
- Thế nào là ác ? Thế nào là thiện ?
- Tâm nhiễm lậu (ô nhiễm và trầm luân) là ác. Tâm
không nhiễm lậu là thiện. Chỉ không nhiễm không
lậu thì pháp ác chẳng sanh. Khi được không nhiễm
không lậu thì thanh tịnh tròn sáng, lóng yên thường
lặng, cứu cánh không dời đổi, ấy gọi là pháp thiện
chẳng diệt. Đây tức là chẳng sanh chẳng diệt vậy.
*
- Trong Bồ-tát Giới nói : “Chúng sanh thọ Phật giới
liền vào vị chư Phật, vị đồng bậc Đại giác rồi, mới
thật là con Phật”, nghĩa này thế nào ?
- Phật Giới là tâm thanh tịnh đó vậy. Nếu có người
phát tâm tu hành hạnh thanh tịnh, được tâm không
có chỗ thọ, gọi là thọ Phật giới. Chư Phật đời quá
khứ đều tu hạnh không thọ thanh tịnh, được thành
Phật đạo. Thời nay có người phát tâm tu hạnh
không thọ thanh tịnh thì cùng chư Phật đồng công
đức đẳng dụng không khác, cho nên nói “vào vị
chư Phật”. Như thế, được giác ngộ cùng Phật giác
ngộ đồng. Cho nên nói “vị đồng bậc Đại giác rồi,
mới thật là con Phật”. Từ tâm thanh tịnh sanh trí, trí
thanh tịnh gọi là con chư Phật, cũng gọi là thật con
Phật.
*
- Nói Phật với Pháp, là Phật có trước hay Pháp có
trước ? Nếu Pháp có trước thì Pháp ấy do Phật
nào nói? Nếu Phật có trước thì nương giáo pháp
nào được thành đạo?
- Phật cũng có trước Pháp, cũng có sau Pháp.
- Nhân đâu nói Phật, Pháp có trước sau ?
- Nếu căn cứ Pháp tịch diệt mà nói thì Pháp trước
Phật sau. Nếu căn cứ Pháp văn tự mà nói thì Phật
trước Pháp sau. Vì cớ sao ? - Vì tất cả chư Phật
đều nhân nơi Pháp tịch diệt mà được thành Phật,
tức là Pháp trước Phật sau.
Kinh nói : “Làm thầy chư Phật, ấy là Pháp vậy”. Sau
khi thành đạo rồi, Phật mới nói rộng mười hai bộ
kinh dẫn dắt giáo hóa chúng sanh, chúng sanh
nương nơi pháp Phật giáo hóa tu hành được thành
Phật, ấy là Phật trước Pháp sau.
*
- Thế nào là thuyết thông tông chẳng thông ?
- Nói và làm trái nhau, tức là thuyết thông tông
chẳng thông.
- Thế nào là tông thông thuyết cũng thông ?
- Nói và làm không sai biệt, tức là thuyết thông tông
cũng thông.
- Kinh nói : “Pháp đến chẳng đến, chẳng đến đến”
là thế nào ?
- Nói đến mà làm chẳng đến, gọi là đến chẳng đến.
Làm đến mà nói chẳng đến, gọi là chẳng đến đến.
Làm nói đều đến, gọi là đến đến.
*
- Phật pháp chẳng hết hữu vi, chẳng trụ vô vi. Thế
nào là chẳng hết hữu vi ? Thế nào là chẳng trụ vô
vi ?
- Chẳng hết hữu vi là từ mới phát tâm cho đến ở
dưới cội Bồ-đề thành Đẳng chánh giác, sau đến