Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn
14
Tuy vậy mà học chúng dần dần thêm đông, ngày
đêm thưa hỏi. Sư bất đắc dĩ vì hỏi giải đáp, biện tài
không ngại.
*
Có vài vị Pháp sư đến hỏi :
- Định hỏi một câu, thầy có vui lòng đáp chăng ?
Sư bảo :
- Bóng trăng dưới đầm sâu, mặc ý mò bắt.(Thiền
gia cho ngôn ngữ không thể nói đến chân lý, chỉ
nương ngôn ngữ để thấy chân lý ngoài ngôn ngữ.
Vì thế lời giải đáp như bóng mặt trăng hiện dưới
đầm. Người muốn thấy mặt trăng thật, phải nương
bóng mặt trăng ấy, mà nhìn ngược lên trời thì mới
thấy. Cố chấp bóng mặt trăng dưới đầm, thì suốt
kiếp không khi nào thấy bóng mặt trăng thật.)
- Thế nào là Phật ?
- Hồ nước trong đối diện, chẳng phải Phật là gì?
(Tâm thanh tịnh là Phật. Nếu đối cảnh mà tâm
không sanh, chẳng phải Phật là gì ? Vì thế, Sư bảo
“Hồ nước trong đối diện”, tức là tâm đối cảnh chẳng
động như hồ nước trong, khi ấy chẳng phải Phật là
cái gì ? Thiền tông chỉ tâm là Phật, chẳng đi cầu
Phật bên ngoài. Nếu đem tâm đi cầu Phật, ấy là
vác Phật đi cầu Phật, không bao giờ thấy Phật.)
Các vị ấy đều ngơ ngác, không biết gì cả. Giây lâu
có vị lại hỏi :
- Thầy nói pháp gì độ người ?
- Bần đạo chưa từng có một pháp gì độ người.
- Thiền sư nhà tối như thế ?
- Đại đức nói pháp gì độ người ?
- Giảng Kinh Kim Cang Bát-nhã.
- Giảng được bao nhiêu lần ?
- Hơn hai mươi lần.
- Kinh này ai nói ?
Pháp sư tằng hắng lên giọng gắt :
- Thiền sư khéo nói đùa, há không biết Phật nói sao?
- “Nếu nói Như Lai có nói pháp là chê bai Phật,
người ấy không hiểu nghĩa ta nói” (kinh Kim Cang).
Nếu nói kinh này không phải Phật nói tức là phỉ
báng kinh. Thỉnh Đại đức nói xem ?
Pháp sư im lặng không đáp được.
Chốc lát, Sư lại hỏi :
- Kinh nói : “Nếu lấy sắc thấy ta, lấy âm thanh cầu
ta, người ấy hành đạo tà, không thể thấy Như Lai”.
Đại đức hãy nói cái gì là Như Lai ?
- Đến chỗ này tôi mê hẳn.
- Từ trước đến giờ chưa từng ngộ nói cái gì là mê ?
- Thỉnh Thiền sư vì tôi nói.
- Đại đức giảng kinh hơn hai mươi lượt, lại chưa
biết Như Lai ?
Pháp sư lễ bái cầu xin chỉ dạy.
Sư bảo :
- Như Lai là nghĩa Như của các pháp, đâu thể
quên được.
- Phải là nghĩa Như của các pháp.
- Đại đức nói, phải cũng chưa phải.
- Văn kinh rõ ràng đâu thể chưa phải ?
- Đại đức Như chăng ?
- Như.
- Cây đá Như chăng ?
- Như.
- Đại đức Như, đồng cây đá Như chăng ?
- Không hai.
- Đại đức cùng cây đá đâu khác ?
Pháp sư không đáp được. Lại khen : “Đây là
thượng nhân khó đối đáp được”. Giây lâu lại hỏi :
- Thế nào được đại Niết-bàn ?
- Chẳng tạo nghiệp sanh tử.
- Thế nào là nghiệp sanh tử ?
- Cầu đại Niết-bàn là nghiệp sanh tử, bỏ nhơ lấy
sạch là nghiệp sanh tử, có đắc có chứng là nghiệp
sanh tử, không vượt khỏi môn đối trị là nghiệp sanh
tử.
- Thế nào là được giải thoát ?