Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn
18
Nếu chẳng phải người an thiền tịnh lự đến chỗ ấy
thảy đều mờ mịt.
Tùy căn cơ thọ lãnh pháp tu, ba môn học tuy khác
mà được ý quên lời thì đồng Nhất thừa đâu sai biệt.
Cho nên kinh nói : “Trong cõi Phật ở mười phương,
chỉ có pháp Nhất thừa, không hai cũng không ba,
trừ Phật phương tiện nói, chỉ tạm mượn danh tự,
để dẫn đường cho chúng sanh” (Kinh Pháp Hoa).
Khách thưa :
- Hòa thượng thâm đạt ý chỉ của Phật, được biện
tài vô ngại.
Lại hỏi thêm :
- Tam giáo Nho, Đạo, Thích là đồng hay khác ?
Sư đáp :
- Người đại lượng dùng đó thì đồng. Kẻ tiểu cơ cố
chấp thì khác. Thảy đều từ trên một tánh khởi dụng,
tùy căn cơ thấy sai biệt thành ba, mê ngộ do người,
chẳng phải tại giáo đồng hay khác.
*
Pháp sư Đạo Quang chuyên giảng Duy Thức đến
hỏi:
- Thiền sư dùng tâm nào tu đạo ?
Sư đáp :
- Lão tăng không tâm có thể dùng, không đạo có
thể tu.
- Đã không tâm có thể dùng, không đạo có thể tu,
tại sao mỗi ngày họp chúng khuyên người học thiền
tu đạo?
- Lão tăng còn không có chút đất cắm dùi thì chỗ
nào họp chúng lại. Lão tăng còn không có lưỡi thì
đâu từng khuyên dạy người.
- Thiền sư đối diện mà nói dối.
- Lão tăng còn không có lưỡi khuyên người thì đâu
biết nói dối.
- Thật tôi không hiểu lời luận nghị của Thiền sư.
- Lão tăng tự cũng chẳng hội.
*
Pháp sư Chí chuyên giảng kinh Hoa Nghiêm đến
hỏi:
- Tại sao chẳng nhận “Trúc biếc xanh xanh đồng là
Pháp thân, hoa vàng mịt mịt thảy đều Bát-nhã” ?
Sư đáp :
- Pháp thân không tướng, ứng hiện trong trúc biếc
thành hình, Bát-nhã vô tri đối với hoa vàng mà hiển
tướng, chẳng phải trúc biếc hoa vàng kia có Pháp
thân Bát-nhã. Kinh nói : “Chân Pháp thân của Phật
giống như hư không, ứng vật hiện hình như trăng
trong nước”. Hoa vàng nếu là Bát-nhã, Bát-nhã tức
đồng vô tình. Trúc biếc nếu là Pháp thân, trúc biếc
lại hay ứng dụng. Tọa chủ hội chăng ?
- Chẳng rõ ý này.
- Nếu người thấy tánh nói phải cũng được, nói
chẳng phải cũng được, tùy dụng mà nói, chẳng kẹt
phải quấy. Nếu người chẳng thấy tánh nói trúc biếc
thì chấp trúc biếc, nói hoa vàng thì chấp hoa vàng,
nói Pháp thân thì kẹt Pháp thân, nói Bát-nhã mà
chẳng biết Bát-nhã. Do đó mà trở thành tranh luận.
Pháp sư Chí lễ tạ lui ra.
*
Có người hỏi :
- Đem tâm tu hành bao lâu được giải thoát ?
Sư đáp :
- Đem tâm tu hành ví như lấy bùn lỏng rửa nhơ.
Bát-nhã huyền diệu vốn tự không sanh, đại dụng
hiện tiền chẳng luận thời tiết.
- Phàm phu cũng được như thế chăng ?
- Người thấy tánh thì chẳng phải phàm phu, đốn
ngộ thượng thừa thì đã siêu phàm vượt thánh.
Người mê luận phàm bàn thánh, người ngộ siêu
vượt sanh tử Niết-bàn, người mê nói sự nói lý,
người ngộ đại dụng cùng khắp. Người mê cầu đắc
cầu chứng, người ngộ không đắc không cầu.
Người mê hẹn kiếp xa sẽ chứng, người ngộ chóng
thấy liền.
*
Pháp sư giảng kinh Duy-ma đến hỏi :
- Kinh nói : “Lục sư ngoại đạo kia v.v… là thầy của
ngươi, nhân kia xuất gia, thầy kia bị đọa ngươi
cũng theo đó mà đọa. Người thí cho ngươi chẳng
gọi phước điền, cúng dường cho ngươi đọa trong
ba đường ác. Chê Phật, hủy pháp, chẳng vào số
chúng, trọn chẳng được diệt độ. Ngươi nếu như thế
mới nên nhận thức ăn” (Kinh Duy-ma). Thỉnh Thiền
sư vì giải thích.