Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn
20
- Tọa chủ hiểu chăng ?
- Hiểu.
- Như Trí Giả Đại sư nói Chỉ để phá Chỉ, nói Quán
để phá quán, trụ Chỉ thì chìm trong sanh tử, trụ
Quán thì tâm thần loạn. Thế là, phải đem tâm Chỉ
tâm, hay khởi tâm Quán để quán ? Nếu có tâm
quán là pháp thường kiến, nếu không tâm quán là
pháp đoạn kiến, cũng có cũng không là pháp nhị
kiến. Thỉnh Tọa chủ xét kỹ nói xem ?
- Nếu hỏi như thế đều không thể nói được.
- Vậy thì đâu từng Chỉ Quán.
*
Có người hỏi :
- Bát-nhã lớn chăng ?
Sư đáp :
- Lớn.
- Lớn bằng chừng nào ?
- Không có ngằn mé.
- Bát-nhã nhỏ chăng ?
- Nhỏ.
- Nhỏ bằng chừng nào ?
- Xem chẳng thấy.
- Chỗ nào là Bát-nhã ?
- Chỗ nào chẳng phải Bát-nhã ?
*
Pháp sư giảng kinh Duy-ma hỏi :
- Chư Bồ-tát mỗi vị nhập pháp môn Bất nhị, ngài
Duy-ma lặng thinh là cứu cánh chăng ?
Sư đáp :
- Chưa phải cứu cánh. Thánh ý nếu tột thì đến
quyển ba lại nói việc gì ?
Pháp sư im lặng giây lát, thưa :
- Thỉnh Thiền sư vì tôi nói ý chưa cứu cánh.
Sư bảo :
- Căn cứ trong kinh thì quyển nhất là “dẫn chúng
gọi mười vị đại đệ tử trụ tâm”. Quyển hai là “chư
Bồ-tát mỗi vị nói nhập pháp môn Bất nhị, dùng lời
nói để hiển bày không lời; ngài Văn Thù dùng
không lời để hiển bày không lời; ngài Duy-ma
chẳng dùng lời chẳng dùng không lời, cho nên lặng
thinh để thâu ngôn ngữ ở trước”. Quyển ba là “từ
chỗ lặng thinh khởi nói, lại hiển thần thông tác
dụng”. Tọa chủ hội chăng ?
- Thật là kỳ quái, đúng thế !
- Cũng chưa đúng thế.
- Tại sao chưa đúng thế ?
- Vả lại, vì để phá tình chấp của người nên nói như
thế. Nếu y cứ ý kinh thì chỉ nói sắc tâm không tịch
khiến người thấy bản tánh, dạy bỏ hạnh giả vào
hạnh thật, chớ nhằm trên ngôn ngữ giấy mực mà
thảo luận suy tính, cốt hội được hai chữ Tịnh Danh
là đủ. Tịnh là bản thể. Danh là tích dụng. Từ bản
thể khởi tích dụng, từ tích dụng trở về bản thể. Thể
và dụng không hai. Bản (xưa) và tích (nay) không
khác. Do đó, cổ nhân nói : “Bản (xưa) tích (nay) tuy
khác, chẳng nghĩ bàn là một vậy. Một cũng chẳng
phải một”. Nếu hiểu hai chữ Tịnh Danh là giả hiệu,
lại nói cái gì cứu cánh cùng chẳng cứu cánh ?
Không trước không sau, chẳng phải gốc chẳng phải
ngọn, chẳng phải Tịnh chẳng phải Danh, vì chỉ bày
cho chúng sanh bản tánh bất tư nghì giải thoát.
Nếu người không thấy tánh, trọn đời chẳng thấy
được lý này.
*
Có vị tăng hỏi :
- Muôn pháp trọn không, thức tánh cũng vậy. Ví
như bong bóng nước một khi tan thì không hợp lại.
Thân này chết chẳng sanh trở lại tức là rỗng không
thì chỗ nào mà có thức tánh ?
Sư đáp :
- Bong bóng nhân nước mà có, bong bóng tan đâu
thể không nước. Thân nhân tánh mà có, thân chết
đâu thể nói tánh diệt.
- Đã nói có tánh, thử đem ra xem ?
- Ông tin có ngày hôm qua chăng ?
- Tin.
- Ông đem ngày hôm qua đến xem ?
- Ngày hôm qua thật là có, nhưng mà hiện giờ
không thể đem đến được.