THIỀN ĐỐN NGỘ - Trang 45

Truyền Gia Bảo Thiền Tông Trực Chỉ

4

phóng ý không chỗ nào chẳng đến. Nếu thật dụng
tâm chân thiết thì buông lung lười biếng do đâu
được sanh. Nên biết, một chữ Thiết nếu hay dán
dính trên thân thì khỏi lo tâm sanh tử chẳng phá,
khỏi lo chẳng đến địa vị Phật Tổ. Bỏ chữ Thiết này
riêng cầu Phật pháp, đều là si cuồng ngoại đạo.

Một chữ Thiết là lời rất thân thiết, như dụng tâm
thân thiết thì không kẽ hở, do đó các thứ tà ma
không thể xâm nhập. Như dụng tâm thân thiết tự
nhiên không sanh suy tính, có niệm không gián
cách thì chẳng rơi vào ngoại đạo.

Một chữ Thiết đâu những lìa lỗi, liền đó vượt khỏi
ba tánh thiện, ác, vô ký. Một câu thoại đầu dụng
tâm thậm thiết thì không nghĩ thiện, dụng tâm thậm
thiết thì không nghĩ ác, dụng tâm thậm thiết thì
không rơi vào vô ký. Thoại đầu thiết thì không trạo
cử, thoại đầu thiết thì không hôn trầm. Chỉ cốt
chánh giác hiện tiền thì các ma tự lui, chánh giác
phi thiết chẳng sanh.

*

Hạ thủ công phu tu thiền chẳng sợ chết không
được sống, chỉ sợ sống không được chết. Nếu thật
nghi tình kết tụ ở một chỗ, cảnh động chẳng đợi
đuổi mà tự đi, vọng tâm chẳng đợi tịnh mà tự tịnh,
sáu căn ở ngoài cửa tự nhiên rỗng suốt hết, ra dấu
liền đến, gọi lên liền đáp, lo gì chẳng sống?

*

Hạ thủ công phu tu thiền cốt phải ngay thẳng cao
vót, chẳng gần nhân tình. Nếu đáp ứng theo tình
cảm thì thực hành công phu chẳng tiến. Không
những chẳng tiến mà lâu ngày chầy tháng sẽ trôi
theo thế tục, rất là đáng tiếc ! Ví như chính mình
bận việc thì đâu thể có công coi sóc việc người.
Ngay thẳng cao vót chính là Chánh đẳng Chánh
giác.

*

Hạ thủ công phu tu thiền điều thứ nhất là Chánh
giác. Chánh giác là phút giây nào cũng chiếu soi lại
cái linh minh của chính mình, không thể buông nó
chạy đi. Nếu cái linh minh đi rồi, thì thân này chỉ là
cái thây chết có hơi thở. Lại là hôn trầm không
niệm, rơi vào ngoan không khô lặng. Tuy là vận
dụng công phu khổ nhọc mà không có mảy may lợi
ích.

Hạ thủ công phu tu thiền tu tập được tiến lên, như
người gánh nặng ngàn cân, buông cũng chẳng rớt,
giống như người tìm một vật quan trọng bị rơi mất,
nếu tìm không được thề chẳng thôi nghỉ. Trong đó
chỉ không nên sanh chấp trước tính toán. Nếu chấp
thì thành bệnh, trước thì thành ma, tính toán thì
thành ngoại đạo. Thật được nhất tâm nhất ý, giống

hệt người tìm vật đã mất thì ba thứ (chấp, trước và
tính toán) vỡ tan không còn dính mắc. Nên nói,
sanh tâm động niệm đều trái với pháp thể.

*

Hạ thủ công phu tu thiền khi đề khởi thoại đầu cốt
phải rõ ràng sáng sủa, giống in như con mèo rình
chụp chuột. Người xưa nói : “Chẳng chém được
đứa mọi thề không thôi”. Nếu chẳng vậy, là ngồi
trong nhà quỉ, mờ mờ mịt mịt, qua rồi một đời, có
chỗ nào lợi ích ?

Mèo rình chuột mở tròn đôi mắt, bốn chân chực
sẵn, chỉ cốt chụp chuột đến miệng mới được, dù có
gà chó ở bên cạnh đều không để mắt ngó. Người
tham thiền cũng như thế, chỉ là chăm chú cốt suốt
lý này, dù có tám cảnh xen lẫn ở trước cũng không
để mắt nhìn, vừa có niệm khác, chẳng những
không bắt được chuột, mà mèo cũng chạy mất.

*

Hạ thủ công phu tu thiền không nên ở trên công án
của tiền nhân mà suy nghĩ, thêm sự giải thích. Dù
mỗi mỗi hiểu qua cùng với chính mình cũng không
dính dáng gì. Cần yếu biết mỗi câu mỗi lời của tiền
nhân như đống lửa lớn, gần nó không được, xúc
chạm cũng không được, huống là ngồi nằm trong
ấy, lại ở trong đó phân lớn phân nhỏ, nói trên nói
dưới, thì có chỗ nào lợi ích ?

Việc ấy không cùng giáo lý hợp, do đó những vị tu
tập Đại thừa đã lâu, vẫn không hiểu không biết,
huống là các hàng Tiểu thừa Thanh văn Duyên giác?
Bậc Tam hiền Thập thánh đâu không thông giáo lý,
mà nghe nói một việc này, Tam thừa còn tan mật,
Thập thánh phải kinh hồn. Bậc Bồ-tát Đẳng giác
thuyết pháp như mây như mưa, độ chúng sanh
không thể nghĩ bàn vào vô sanh pháp nhẫn, vẫn gọi
là sở tri ngu, cùng đạo còn trái, huống là những bậc
khác ? Bởi vì việc này từ chỗ phàm phu chóng
đồng Phật thể, người thật khó tin. Người tin được
là hàng pháp khí, người không tin chẳng phải pháp
khí. Những người tu hành muốn vào Tông thừa này
ắt từ tin mà vào.

Một chữ Tin có cạn có sâu, có tà có chánh, không
thể không biện biệt. Phàm vào pháp môn có ai mà
nói chẳng tin. Nhưng, chỉ tin pháp môn mà không
tin tâm mình là tin cạn. Các hạng Bồ-tát Đại thừa
còn chẳng đủ lòng tin, như kinh Hoa Nghiêm sớ
nói : “Thấy có người hay nói pháp, có chúng nghe
pháp, còn chưa vào cửa tin”. Như nói tức tâm tức
Phật thì ai bảo là chẳng tin. Song, nếu có người
hỏi : “Ông là Phật chăng ?” liền bị phá dẹp không
thể thừa đương. Kinh Pháp Hoa nói : “Tột nghĩ
chung suy xét, không thể lường trí Phật”. Sở dĩ có
tâm tột nghĩ xét, là do lòng tin chẳng đủ vậy. Có đủ
lòng tin này là tin sâu.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.