Toạ Thiền Dụng Tâm Ký
3
Phàm khi thân tâm nhọc nhằn mệt mỏi đều là
nhân duyên phát bệnh. Chỗ nạn lửa, nạn nước,
nạn gió, nạn giặc và bên mé biển, bên quán rượu,
bên lầu xanh, chỗ đàn bà góa, thiếu nữ, bên kỹ
nhạc đều chớ nên ngồi. Quốc vương, đại thần, nhà
quyền thế, người đa dục, người danh vọng, người
cãi giỡn cũng không nên gần. Phật sự lớn, kinh
doanh to tuy là rất thiện, người chuyên tọa thiền
cũng không nên làm. Không nên ưa thuyết pháp
giáo hóa, vì tán tâm loạn niệm từ đó mà sanh.
Không nên ưa đông người, tham đệ tử, không nên
làm việc nhiều, học nhiều. Chỗ rất sáng, rất tối, rất
lạnh, rất nóng, cho đến chỗ người dạo chơi, giỡn
hớt đều không nên ngồi.
Trong tòng lâm, chỗ thiện tri thức, núi sâu,
hang thẳm nên dừng ở. Mé nước, núi xanh là chỗ
kinh hành. Bên dòng suối, dưới cội cây là chỗ lóng
tâm. Hằng quán vô thường là nhân duyên kích phát
đạo tâm. Nệm dày trải ngồi mới yên ổn. Đạo tràng
phải thanh khiết, thường thắp hương cúng hoa thì
Hộ pháp, Thiện thần, Phật, Bồ-tát ảnh hưởng gia
hộ. Nếu thờ tượng Phật, Bồ-tát, La-hán thì tất cả
ma quỉ không dám phá hại. Thường trụ tâm nơi đại
từ, đại bi, công đức tọa thiền vô lượng hồi hướng
cho tất cả chúng sanh. Chớ sanh cao mạn, ngã
mạn, pháp mạn, đó là pháp của ngoại đạo phàm
phu. Nghĩ thệ đoạn phiền não và thệ chứng Bồ-đề.
Chỉ chuyên ngồi thiền tất cả đều không làm, ấy là
yếu thuật tham thiền.
Thường nên rửa mắt và rửa chân, thân tâm
nhàn tịnh, oai nghi tề chỉnh. Nên bỏ thế tình, cũng
đừng chấp đạo tình. Tuy không bỏn xẻn giáo pháp,
mà không thỉnh thì chớ nói. Giữ ba lần thỉnh, bốn
lần từ, mười lần muốn nói, chín lần thôi. Khóe
miệng lên meo như chiếc quạt mùa đông, như cái
linh treo trên hư không mặc tình gió bốn phương
thổi. Đó là tác phong của kẻ đạo nhân vậy. Chỉ lấy
pháp mà không tham người, dụng đạo mà không
cống cao mình, ấy là chỗ dụng tâm bậc nhất.
Tọa thiền không can hệ đến Giáo, Hạnh,
Chứng mà gồm cả ba đức này. Chứng là lấy đợi
ngộ làm qui tắc, không phải tâm tọa thiền. Hạnh là
sự thực hành thật tiễn, không phải tâm tọa thiền.
Giáo là đoạn ác tu thiện, cũng không phải tâm tọa
thiền. Trong thiền tuy có lập giáo mà không phải
giáo lý thường. Nghĩa là chỉ thẳng, truyền đạo
riêng, hết thảy toàn nói câu thoại đầu, nói không có
chương cú, chỗ ý tận lý cùng. Một lời nói trùm hết
mười phương, không mảy may nào chưa bày hiện.
Thế thì, không phải giáo lý chân chánh của Phật Tổ
sao ? Hoặc tuy nói Hạnh lại là cái hạnh vô vi. Nghĩa
là thân không làm, miệng không thầm tụng, tâm
không suy xét, sáu căn tự thanh tịnh, tất cả không ô
nhiễm, không phải mười sáu hạnh của Thanh văn,
không phải mười hai hạnh của Duyên giác, không
phải lục độ vạn hạnh của Bồ-tát, tất cả không làm,
cho nên gọi là Phật. Chỉ an trụ trong Tam-muội chư
Phật tự thọ dụng, dong chơi bốn hạnh an lạc của
Bồ-tát, đâu không phải cái hạnh thâm diệu của Phật
Tổ ư ? Hoặc tuy nói chứng, không chứng mà
chứng, là Tam-muội vua của Tam-muội, Tam-muội
vô sanh trí phát hiện, Tam-muội nhất thiết trí phát
hiện, Tam-muội tự nhiên trí phát hiện, là cửa sáng
mở bày trí tuệ của Như Lai, là pháp môn phát xuất
hạnh đại an lạc, vượt khỏi cách thức Thánh và
phàm, ra ngoài sự xét lường mê ngộ, đâu không
phải chứng cái bản hữu Đại giác sao ?
Tọa thiền không can hệ đến giới, định, tuệ,
mà gồm cả ba môn học này. Giới là ngừa quấy
ngăn ác. Tọa thiền quán toàn thể không hai, buông
hết muôn việc, thôi bỏ các duyên, không quan tâm
đến Phật pháp và thế pháp, sự quyến luyến của
đạo tình và thế tình đều quên sạch, không phải
quấy, không thiện ác, đâu còn có cái gì mà phải
ngăn ngừa ? Đây là giới tâm địa vô tướng vậy.
Định là quán tưởng. Tọa thiền thì quên cả thân tâm,
xa lìa mê ngộ, không biến không động, không làm
không mê muội, như ngu như ngây, như núi như
biển, hai tướng động và tịnh hoàn toàn không sanh,
định mà không có tướng định, không có tướng định
nên gọi là đại định. Tuệ là giản trạch hiểu biết. Tọa
thiền thì cái hiểu biết tự diệt, hằng quên tâm thức,
khắp thân là mắt tuệ, không có giản trạch hiểu biết,
thấy rõ Phật tánh vốn không mê lầm, ngồi dứt ý căn
liền được rỗng rang thấu suốt, ấy là tuệ mà không
có tướng tuệ, không có tướng tuệ nên gọi là đại
tuệ. Những giáo pháp một đời đức Phật nói đều thu
gồm trong giới, định, tuệ; nay tọa thiền không giới
nào mà chẳng giữ, không định nào mà chẳng tu,
không tuệ nào mà chẳng thông. Hàng ma, thành
đạo, chuyển pháp luân, nhập Niết-bàn đều nương
thần lực tọa thiền. Thần thông, diệu dụng, phóng
quang, thuyết pháp trọn do tọa thiền vậy. Tham
thiền cũng là tọa thiền.
Muốn tọa thiền trước nên chọn chỗ yên tịnh,
đệm hoặc nệm lót ngồi phải dày, trải chỗ không có
gió, khói vào và mưa mù lọt vô, gìn giữ bao bọc hai
đầu gối, chỗ ngồi phải thanh khiết. Tuy xưa có
nhiều vị ngồi trên tòa Kim cang hay trên bàn thạch,
nhưng đều có vật lót ngồi. Chỗ tọa thiền nên ban
ngày không sáng lắm, ban đêm không tối lắm, mùa
đông thì ấm, mùa hạ thì mát, ấy là diệu thuật vậy.
Buông bỏ tâm ý thức, dứt hết niệm tưởng quán,
chớ mong làm Phật, đừng nghĩ thị phi, khéo gìn giữ
quí tiếc ngày giờ như cứu lửa cháy đầu. Như Lai
ngồi thẳng, Đạt-ma ngồi xây mặt vào vách tại chùa
Thiếu Lâm nhồi thành một khối đều không việc gì
khác. Ngài Thạch Sương toan làm cây khô bị Thái
Bạch trách là ngồi ngủ. Không dùng thắp hương, lễ
bái, niệm Phật, tu sám, xem kinh, trì tụng, chỉ chú
trọng tọa thiền mới được.
Đại để khi tọa thiền nên đắp ca-sa. Bồ đoàn
không phải trùm hết bàn ngồi mà chỉ phân nửa ở
sau xương cùng và cái mông, đó là pháp Phật Tổ