Tham Thien Yeu Chi
2
thấy suốt bản tánh”. Pháp môn này phát nguyên từ
hội Linh Sơn, Phật đưa cành hoa sen, ngài Ca Diếp
cười chúm chím, đến Tổ sư Đạt-ma truyền sang
Trung Hoa, về sau chỗ hạ thủ công phu đã từng
thay đổi. Các bậc Thiền đức trước đời Đường, đời
Tống phần nhiều nghe một lời, hoặc nửa câu được
ngộ đạo. Thầy trò truyền nhau chẳng qua dùng tâm
ấn tâm, không có một thật pháp. Ngày thường thưa
hỏi, trả lời cũng chẳng qua tùy cách phá chấp, theo
bệnh cho thuốc mà thôi. Từ đời Tống về sau, người
học đạo căn tánh yếu ớt cạn hẹp, nói được mà làm
không được. Ví như nói “buông hết tất cả”, “không
nghĩ thiện ác”, thảy đều buông mà không hết,
không nghĩ thiện thì nghĩ ác. Đến thời đại này Tổ
sư bất đắc dĩ dùng biện pháp lấy độc trừ độc, dạy
người học tham công án hay khán thoại đầu. Thậm
chí thiết tha cắn chặt một câu “Tử thoại đầu”, dạy
phải nghiến ngầm cấp bách không một sát-na lơi
lỏng, giống như con chuột khoét rương cắn mãi
một chỗ, chưa phủng thì không dừng. Dạy như vậy,
mục đích lấy một niệm trừ muôn niệm. Kỳ thật, đó
cũng là một biện pháp bất đắc dĩ, như mụt nhọt độc
trong thân, nếu không dùng dao mổ thì bệnh khó
lành. Công án của cổ nhân rất nhiều, sau này
chuyên dạy khán thoại đầu, khán “Mang thây thúi
ấy là gì?”, khán “Trước khi cha mẹ chưa sanh, thế
nào là mặt thật xưa nay của ta?”. Gần đây, các nơi
phần nhiều dùng một câu thoại đầu khán “Niệm
Phật là gì?”. Kỳ thật, những câu thoại đầu đều cùng
một loại, đều rất bình thường không có gì kỳ lạ đặc
biệt. Có thể ta nói: khán “Niệm kinh là gì?”, khán
“Trì chú là gì?”, khán “Lễ Phật là gì?”, khán “Đi
đường là gì?”, khán “Ngủ mới thức là gì?”… đều
cùng một loại như nhau. Sau chữ gì là đáp án, nó
vốn là tâm. Thoại (lời nói) từ tâm khởi, tâm là đầu
của thoại. Niệm từ tâm khởi, tâm là đầu của niệm.
Muôn pháp đều từ tâm khởi, tâm là đầu của muôn
pháp. Kỳ thật, thoại đầu tức là niệm đầu, trước
niệm chính là tâm. Nói thẳng, trước khi một niệm
chưa sanh là thoại đầu. Do đây, chúng ta biết khán
thoại đầu tức là quán tâm. Trước khi cha mẹ chưa
sanh, mặt thật xưa nay tức là tâm. Khán trước khi
cha mẹ chưa sanh, mặt thật xưa nay là quán tâm.
Tánh cũng tức là tâm. Câu “Phản văn văn tự tánh”
(xoay cái nghe nghe tự tánh) là phản quán quán tự
tâm. Câu “Viên chiếu thanh tịnh giác tướng” (chiếu
khắp tướng giác thanh tịnh), thanh tịnh giác tướng
tức là tâm, chiếu tức là quán. Tâm tức là Phật,
niệm Phật tức là quán Phật, quán Phật tức là quán
tâm. Sở dĩ nói “khán thoại đầu” hoặc nói “khán
niệm Phật là gì ”, đều là quán tâm, quán chiếu giác
thể tự tâm thanh tịnh, là quán chiếu Phật tánh của
mình. Tâm tức là tánh, tức là giác, tức là Phật,
không có hình tướng chỗ nơi, trọn không thể được,
sẵn vậy thanh tịnh, khắp cả pháp giới, không ra
không vào, không qua không lại, chính là xưa nay
hiện thành Pháp thân Phật thanh tịnh. Hành nhân
thu nhiếp lục căn “khán từ chỗ một niệm mới sanh”,
soi xét một câu thoại đầu này, khán đến chỗ tự tâm
thanh tịnh ly niệm. Lại tiến lên, càng thầm kín dày
dặc, lặng lẽ yên tịnh, tuy tịch mà chiếu, thẳng đó
ngũ uẩn đều không, thân tâm đều vắng lặng, hoàn
toàn không có một việc. Từ đây ngày đêm đi đứng
ngồi nằm như như không động, càng lâu công phu
càng dày liền được thấy tánh thành Phật, vượt qua
mọi khổ ách. Xưa Tổ sư Cao Phong nói: “Người
học đạo hay khán một câu thoại đầu, như gieo hòn
gạch xuống hồ sâu muôn trượng, rơi thẳng tận đáy,
được vậy trong bảy ngày, nếu không khai ngộ, Lão
tăng xin dâng thủ cấp”. Bạn đồng tham thiền! Câu
nói của người xưa là chân ngữ, thật ngữ, không
phải lời nói dối trá lừa đảo đâu!
Nhưng, tại sao người hiện thời khán thoại đầu rất
nhiều, mà không có mấy người ngộ đạo? Ấy là do
người hiện thời căn cơ không bằng người
xưa, cũng tại người học đạo đường lối tham thiền
khán thoại đầu đa số không rành rõ. Có người tham
đông hỏi tây, cầu nam thỉnh bắc, kết quả chỉ là loạn
động đến già, một câu thoại đầu vẫn không rành rõ,
không biết thế nào là thoại đầu thì làm sao khán
thoại đầu? Một đời chỉ chấp trước ngôn cú, danh
tướng, dụng tâm tại thoại vĩ (đuôi lời nói) mà thôi.
Hoặc có người khán “Tham Phật là gì?”, hoặc
“Chiếu cố thoại đầu”, khán qua khán lại, tham tới
tham lui cùng câu thoại đầu đông tây chạy ngược
nhau. Như vậy, làm sao hội ngộ được cái vô vi đại
đạo bản nhiên này? Làm sao đến được cái vương
vị tất cả không thọ? Hoặc có người bỏ mạt vàng
vào con mắt, con mắt bị mù, làm sao được phóng
quang sáng suốt? Đáng thương thay! Đáng thương
thay! Có những người hảo tâm xuất gia chí nguyện
phi phàm, mà kết quả chỉ một bề nhọc công vô ích,
rất đáng thương xót! Người xưa nói: “Thà đành
ngàn năm không ngộ, không cam một ngày sai
lầm”.
Người tu hành ngộ đạo dễ mà khó, khó mà dễ,
giống như vặn nút đèn điện, biết thì khoảng khảy
móng tay đèn cháy sáng trưng, cái đen tối muôn
năm liền hết, không biết thì vặn máy hỏng đèn hư,
phiền não càng tăng trưởng. Có một ít người tham
thiền khán thoại đầu bị ma phát điên, thổ huyết,
mắc bệnh, bởi vì lửa vô minh quá to, chấp nhân
ngã thật dày, đó là những gương rất rõ ràng. Sở dĩ
người dụng công cốt khéo điều hòa thân tâm, cần
phải tâm bình khí hòa, không chướng ngại, không
nhân ngã, đi đứng ngồi nằm khéo hợp với máy
huyền diệu.
Pháp tham thiền xưa nay không có phân biệt, chỉ
do công phu tu tập, sơ tham có khó và dễ, lão tham
cũng có khó và dễ. Cái khó của người sơ tham là
thế nào? – Vì thân tâm không thuần thục, đường lối
chưa rành rõ, dụng công không đến nơi, nếu trong
tâm không chấp cấp bách thì bị bệnh ngủ gật qua
ngày, kết quả thành: “năm đầu sơ tham, năm thứ
hai lão tham, năm thứ ba không tham”. Cái dễ là
sao? - Chỉ cần đầy đủ tín tâm, tâm lâu bền và vô
tâm. Tín tâm, một là tin tâm ta đây xưa nay là Phật,