Tham Thien Yeu Chi
4
ngay, quả báo cong vạy”. Cho nên gieo nhân lành
kết quả lành, gieo nhân ác gặt quả ác, trồng dưa
được dưa, trồng đậu được đậu là đạo lý tất nhiên
vậy.
Nói đến nhân quả tôi xin thuật hai câu chuyện xưa
để chứng minh:
Chuyện vua Lưu Ly giết dòng họ Thích.
Trước đức Phật Thích-ca ra đời, trong thành Ca-tỳ-
la-vệ có một làng chài lưới, trong làng có cái hồ to.
Khi ấy, trời hạn nước cạn, bao nhiêu cá trong ao bị
người làng bắt ăn hết, sau cùng còn lại một con cá
thật to cũng bị người làm thịt luôn. Trong làng chỉ
có một đứa bé lâu nay không ăn thịt cá, hôm ấy
đến thấy con cá to lấy cây gõ trên đầu nó ba cái rồi
đi. Sau này khi đức Thích-ca ra đời, vua Ba-tư-nặc
rất kính tin Phật pháp, cưới con gái dòng họ Thích
làm vợ, sanh được một Thái tử đặt tên Lưu Ly. Lúc
thơ ấu, Lưu Ly ở bên ngoại tại thành Ca-tỳ-la-vệ
học, một hôm nhân giỡn chơi trèo lên tòa của Phật
ngồi, bị người họ Thích rầy mắng kéo lôi xuống,
nên ôm lòng uất hận. Đến khi Lưu Ly lên làm vua,
xuất đại binh đánh thành Ca-tỳ-la-vệ, bắt hết dân
cư trong thành giết sạch, chính khi ấy đức Thích-ca
nhức đầu ba ngày. Các vị đệ tử lớn của Phật cầu
xin Phật tìm cách giải cứu dòng họ Thích. Phật nói:
“Định nghiệp khó chuyển”. Tôn giả Mục Liên dùng
sức thần thông lấy bình bát đến thâu năm trăm
người dòng Thích-ca đem để trên không trung; khi
giặc qua, Ngài đem xuống thả ra, không ngờ khi
trút bát thấy tất cả đều biến thành máu. Các đệ tử
lớn đến thưa hỏi Phật, Phật đem việc xưa dân
trong làng ăn cá thuật lại: Con cá lớn ngày xưa là
vua Lưu Ly hiện nay, quân đội của vua Lưu Ly đều
là những con cá nhỏ trong hồ. Dân cư trong thành
Ca-tỳ-la-vệ bị giết đều là người ăn cá ngày xưa.
Thân Phật chính là đứa bé gõ đầu cá ba cái ngày
xưa, nên hiện tại bị quả báo nhức đầu ba ngày. Vì
định nghiệp khó tránh nên năm trăm người dòng họ
Thích tuy được Tôn giả Mục Liên cứu thoát, cũng
không bảo tồn được tánh mạng. Sau này vua Lưu
Ly bị đọa địa ngục. Oan oan tương báo không biết
bao giờ hết được. Nhân quả thật đáng sợ vậy.
Chuyện ngài Bá Trượng độ Hồ Ly.
Bá Trượng Lão nhân một hôm vào nhà giảng,
giảng xong các thính giả ra hết, chỉ còn lại một ông
già không lui đi. Ngài Bá Trượng hỏi: “Ông còn
muốn hỏi gì?”. Ông ấy thưa: “Con là Dã hồ tinh
không phải là người, đời trước con vốn làm Đường
đầu (Trụ trì) ở đây, nhân có người học, hỏi con:
‘Bậc đại tu hành lại rơi vào luật nhân quả chăng?’.
Con đáp: ‘Không rơi nhân quả’. Do đó con bị đọa
lạc làm Dã hồ tinh đã năm trăm năm, không có
cách nào thoát thân, mong Hòa thượng từ bi chỉ
dạy cho!”. Ngài Bá Trượng bảo: “Ngươi hỏi lại ta”.
Ông ấy bèn hỏi: “Bạch Hòa thượng! Bậc đại tu
hành lại rơi vào nhân quả chăng?”. Tổ Bá Trượng
đáp: “Không lầm nhân quả”. Ông già nghe câu này
liền đại ngộ. Ông lễ tạ thưa: “Nay nương lời đáp
thay của Hòa thượng khiến con siêu thoát thân Dã
hồ, con ở hang sau núi, mong Hòa thượng lấy lễ
tống táng theo nhà sư cho con”. Hôm sau, Tổ Bá
Trượng lại hang sau núi, lấy gậy bới ra có xác con
hồ tinh, bèn dùng lễ theo nhà sư mà an táng.
Chúng ta nghe hai câu chuyện xưa này càng biết rõ
nhân quả đáng sợ, tuy thành Phật vẫn khó khỏi quả
báo nhức đầu. Sự báo ứng một mảy may không sai
lạc, định nghiệp thật khó trốn tránh. Chúng ta gắng
cẩn thận, gắng dè dặt chớ có gây nhân.
b) Nghiêm trì giới luật. – Dụng công tu hành trước
nhất phải trì giới. Giới là cội gốc quả vô thượng Bồ-
đề, nhân giới sanh định, nhân định phát tuệ, nếu
không trì giới mà tu hành thì không thể được. Trong
kinh Lăng Nghiêm dạy rõ bốn món thanh tịnh, dạy
chúng ta rằng: “Không trì giới mà tu chánh định
không thể thoát khỏi trần lao, dù hiện tiền có nhiều
trí tuệ, nhiều thiền định cũng rơi vào tà ma ngoại
đạo”. Đó nên biết, trì giới là trọng yếu, người trì giới
Long Thiên ủng hộ, ma ngoại kính sợ. Người phá
giới, bọn quỉ gọi là giặc lớn, nó quét dấu chân của
người ấy. Ngày xưa tại nước Kế Tân, gần bên đất
già lam có một con độc long thường khi ra nhiễu
hại dân chúng địa phương. Có năm trăm vị A-la-
hán nhóm họp một chỗ dùng sức thiền định đuổi nó
đi, rốt cuộc không hiệu quả gì cả. Sau có một vị
Tăng, không cần nhập thiền định chỉ đến gần con
độc long nói một câu: “Hiền thiện ! Hãy tránh xa chỗ
này đi”. Con độc long liền đi mất. Các vị A-la-hán
hỏi vị Tăng ấy: “Ông dùng thần thông gì đuổi được
con độc long?”. Vị Tăng đáp: “Tôi không dùng sức
thiền định, chỉ do cẩn thận đối với giới, gìn giữ giới
khinh cũng như giới trọng”. Chúng ta tưởng tượng
sức thiền định của năm trăm vị La-hán mà không
bằng một vị Tăng nghiêm trì giới luật.
Hoặc có người bảo: “Lục Tổ nói tâm bình đâu cần
trì giới, hạnh thẳng nào dụng tham thiền”. Tôi xin
hỏi ông: Tâm ông đã bình, hạnh ông đã thẳng chưa?
Giả sử có người con gái đẹp lõa thể đến ôm ông,
ông có thể không động tâm chăng? Có người vô lý
mạ nhục đánh đập ông, ông có thể không sanh tâm
sân hận chăng? Ông đã đạt được chỗ không phân
biệt oán thân, thương ghét, nhân ngã, phải quấy
chưa? Cẩn thận khi làm được mới nói những lời to
ấy, nếu làm không được mà nói chỉ là nói suông.
c) Tín tâm kiên cố. – Có ý dụng công tu tập trước
cần phải có lòng tin bền chặt. Lòng tin là đầu của
Đạo, là mẹ các công đức. Bất luận làm việc gì
không có lòng tin thì làm không xong. Chúng ta cốt
liễu thoát sanh tử, điều cần thiết phải có lòng tin
bền chặt. Phật nói: “Tất cả chúng sanh đều có đức
tướng trí tuệ Như Lai, chỉ do vọng tưởng chấp
trước không thể chứng được”. Phật lại dạy các thứ