Tham Thien Yeu Chi
8
lại mang bệnh thổ huyết, phát cuồng. Hoặc có
người sợ rơi vào không, đâu ngờ trước đã sanh ra
quỉ; không vẫn là không chẳng động, ngộ lại ngộ
chẳng đến. Hoặc có người khởi tâm cầu ngộ, ngờ
đâu cầu ngộ đạo mong thành Phật đều là đại vọng
tưởng; cát không phải là cơm, cầu đến bao nhiêu
năm quyết định cũng không ngộ. Hoặc có người
chợt được yên tịnh một vài cây hương bèn sanh vui
mừng, ấy chỉ là con rùa đen mù tìm bọng cây, ngẫu
nhiên đụng nhằm chẳng phải là công phu thật, ma
vui mừng sớm đã nhập vào tâm vậy. Hoặc có
người trong chỗ yên tịnh biết được thanh tịnh rất
thích, trong chỗ động thì mất thanh tịnh, nhân đó
tránh chỗ ồn náo tìm chỗ yên tịnh, ấy là đã sớm
làm quyến thuộc của hai thứ ma vương động tịnh.
Các người như vậy thật rất là nhiều. Kẻ sơ dụng
tâm không thấu rõ đường lối tu tập thật là khó. Có
giác mà không chiếu thì tán loạn không thể “đến
nhà”. Có chiếu mà không giác lại “ngồi chết chìm
trong nước chết”.
b- Sơ dụng tâm dễ - Buông xuống chỉ để một niệm.
Dụng công tuy nói khó, nhưng hiểu rõ đường lối lại
rất dễ. Tại sao sơ dụng tâm là dễ? – Không có gì
khéo, buông hết liền được. Buông hết cái gì? –
Buông hết tất cả vô minh phiền não. Làm sao
buông hết được? – Chúng ta coi thân này như chết
vậy. Ông thử chửi thây chết bao nhiêu câu, nó cũng
không phát giận, đánh mấy gậy nó cũng không
chống cự, lúc sống ưa phá vô minh bây giờ cũng
không phá, lúc sống ưa danh lợi khi này cũng
không màng, lúc sống nhiều thứ tập nhiễm khi này
không có, cái gì cũng không phân biệt, cái gì cũng
bỏ hết. Chư vị đồng tham thiền! Chúng ta mang xác
thân này một phen hơi thở ra không trở lại bèn
thành thây chết. Chúng ta sở dĩ buông không hết,
chỉ do xem thân này là trọng, sanh nhân ngã phải
quấy thương ghét thủ xả. Nếu nhận định thân này
như thây chết, không quý trọng nó, không chấp nó
là ngã thì có cái gì buông không hết? Chỉ cần
buông được hết, trong hai mươi bốn giờ đi đứng
ngồi nằm, động tịnh rảnh rang bận rộn, toàn thân
trong ngoài chỉ là một niệm nghi, bình thản không
dứt niệm nghi, không chen niệm nào khác. Một câu
thoại đầu như nương Ỹ Thiên trường kiếm, ma đến
ma chết, Phật đến Phật chết, không sợ vọng tưởng
thì có cái gì phá hại ta được? Có cái gì phân động
phân tịnh, có cái gì chấp hữu chấp không? Như
quả thật sợ vọng tưởng, ấy là chồng thêm một lớp
vọng tưởng. Biết mình thanh tịnh, thế là đã không
thanh tịnh. Sợ rơi vào không, chính đã rớt trong có.
Tưởng thành Phật, đã vào đường ma. Nên nói:
“Bửa củi gánh nước đâu không phải diệu đạo, cày
ruộng cuốc đất đều là thiền cơ”. Không phải trong
khi ngồi kiết già mới gọi là dụng công tu hành.
2.- Lão dụng tâm khó dễ.
Lão dụng tâm khó – Đầu sào trăm thước không thể
tiến bước.
Thế nào là lão dụng tâm khó? Lão dụng tâm đến
giai đoạn chân nghi hiện tiền, có giác có chiếu vẫn
thuộc sanh tử, không giác không chiếu lại rơi vào
không vong, đến cảnh giới này thật là khó. Đa số
người đến chỗ này vượt qua không khỏi, đứng trên
đầu sào trăm thước không có cách nào tiến bước.
Có một số người nhân đến cảnh giới này, trong
định phát chút ít tuệ hiểu sơ lược một ít công án
của cổ nhân, liền bỏ hết nghi tình, tự cho là đại triệt
đại ngộ, ngâm thi vịnh phú, nhướng mày chớp mắt,
xưng là thiện tri thức, thật không biết mình đã rơi
vào bè đảng của ma. Lại có người hiểu lầm ý nghĩa
câu của Đạt-ma Lão nhân nói: “Ngoài dứt các
duyên, trong tâm không xao động, tâm như vách
tường có thể vào đạo” và câu của Lục Tổ nói:
“Không nghĩ thiện, không nghĩ ác chính khi ấy cái gì
là bản lai diện mục của Thượng tọa”, bèn cho ngồi
như cây như đá là hay tuyệt. Hạng người này cho
Hóa thành là Bảo sở, nhận xứ người cho là quê
hương, thật là chỗ Bà tử đốt am và mắng “Các
ngươi là người chết”.
Lão dụng tâm dễ - Cứ miên mật đi !
Thế nào là lão dụng tâm dễ? – Đến lúc này chỉ cần
không tự mãn, không bỏ nửa chừng, thầm thầm kín
kín dụng công, trong thầm kín lại thầm kín, trong vi
tế lại vi tế, khi thời tiết đến đáy thùng tự bể (đại
ngộ). Nếu không tự bể, nhờ thiện hữu tri thức nhổ
đinh rút chốt cho.
Đại sĩ Hàn Sơn có bài tụng:
Chót vót trên đảnh núi,
Bốn phía không mé bờ.
Ngồi tịnh chả ai biết,
Suối lạnh vầng trăng soi.
Trong suối vốn không trăng,
Trời xanh trăng xa thẳm.
Ngâm một bài ca này,
Trong ca thiền chẳng có.
Hai câu đầu nói cái chân thường bày hiện, không
thuộc một cái gì, sáng chiếu khắp đại địa không
một mảy chướng ngại. Bốn câu kế nói chân như
diệu thể phàm phu hẳn không thể biết, ba đời chư
Phật cũng tìm không được chỗ nơi của ta, nên nói:
“chả ai biết”. Ba câu “Suối lạnh vầng trăng soi
v.v…” là Lão nhân dùng phương tiện thí dụ cảnh
giới ấy. Hai câu rốt sau, sợ người nhận lầm ngón