chẳng có ai để mắt đến lá phướn có nét chữ ưu việt của gã, lại càng chẳng ai
gọi gã viết câu đối hoành phi hay vẽ tranh cả.
Trời tối dần, tâm trạng Lạc Văn Giai cũng dần chán nản u ám hơn. Gã
cúi đầu uể oải đi nốt dãy phố lớn cuối cùng, tuyệt vọng cuộn lá phướn, đang
định xé nát ra thành mấy mảnh thì nghe thấy đằng sau vang lên một giọng
hỏi nhẹ nhàng: “Tiên sinh biết vẽ tranh hả?”
“Biết, đương nhiên là biết!” Lạc Văn Giai vừa trả lời vừa quay đầu lại,
liền thấy sau lưng mình có một tiểu cô nương mặc váy áo màu xanh lá cây,
khoảng mười bốn mười lăm tuổi, khi cười trên hai má có hai lúm đồng tiền
trông hết sức khả ái. Lạc Văn Giai vội mở lá phướn ra, nôn nóng giải thích:
“Viết chữ, vẽ tranh đều là sở trường của ta, sáu tuổi ta đã bắt đầu luyện chữ,
bảy tuổi học vẽ tranh, từ đó đến nay đã có mười mấy năm chưa hề gián
đoạn! Chẳng hay cô nương muốn vẽ gì? Tranh thủy mặc hay họa chân
dung? Hay là vẽ hoa cỏ ong bướm?”
Tiểu cô nương đó nhoẻn miệng cười, xua xua tay nói: “Không phải ta
muốn vẽ, là tiểu thư nhà ta. Hôm nay tiểu thư sai ta đi tìm họa sư đến vẽ
chân dung, không ngờ vừa ra đến cửa thì gặp ngươi, nên mới hỏi thử xem.”
“Chân dung? Không có vấn đề gì, không có vấn đề gì!” Lạc Văn Giai
vội đáp: “Tiểu thư nhà cô ở đâu? Ngay bây giờ ta có thể đi vẽ cho cô ấy!”
“Có làm được không đấy?” Tiểu cô nương kia quan sát Lạc Văn Giai
với ánh mắt nửa tin nửa ngờ. Lại nghe gã luống cuống giãi bày: “Tuy ta
chưa vẽ chân dung nhiều, nhưng họa công họa lý cũng không khác gì nhau
mấy, cô không tin ta vẽ cô trước xem thử nhé?”
“Được rồi, được rồi!” Tiểu cô nương bực tức xua tay, “Để ngươi vẽ
cũng được, nhưng tiểu thư nhà ta có một điều kiện.”
“Điều kiện gì?” Lạc Văn Giai vội hỏi.
“Ngươi phải bịt kín mắt để ta dẫn đi, trên đường cấm không được nhìn
trộm.” Tiểu cô nương đó giải thích: “Ngoài ra, ngươi phải thề là không
được nói chuyện ngày hôm nay cho ai biết.”