biết sử dụng hơi thở có ý thức thì làm sao thực tập được? Nếu không nắm
lấy hơi thở, không có mặt trong giây phút hiện tại thì ta làm thế nào nhận
diện được những hạt giống đang được gieo vào trong tâm thức ta? Có
những người đã tu ba năm, năm năm, bảy năm mà vẫn chưa có cơ hội học
phương pháp của kinh An Ban Thủ Ý. Khi ngồi thiền, chúng ta cũng phải
sử dụng hơi thở ý thức. Khi đi thiền hành, khi làm việc, nằm trên giường
sắp đi vào giấc ngủ, khi tắm giặt, khi nấu ăn... chúng ta đều có thể sử dụng
hơi thở có ý thức. Bởi vì sử dụng hơi thở có ý thức là một phương pháp rất
mầu nhiệm để nhận diện những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại, có
nghĩa là những hạt giống nào đang được gieo, những hạt giống nào đang
được tưới. Cái đó gọi là phương pháp hộ trì sáu căn bằng con đường nhiếp
niệm hơi thở. Đọc ngang qua đoạn đầu này, ta thấy rằng khi đặt nền tảng
của tâm học, thầy Tăng Hội đã nói về tâm như biển cả, như đất ruộng, đã
nói về sự tiếp nhận các hiện tượng tâm lý như nước các sông chảy về biển
cả hay là những hạt giống được gieo vào tâm điền. Và thầy cũng nói rằng
cách thức mà ruộng tâm ta tiếp nhận những hạt giống cũng như cách thức
đại dương tiếp nhận những dòng nước, rất là vi tế, khó nhận. Ta biết những
tư tưởng như bất tư nghị huân, bất tư nghị biến đã có sẵn trong giáo lý của
thầy Tăng Hội. Huân có nghĩa là ướp vào, tiếng Phạn là vasana. Ví dụ như
khi ta tập với nhau một bài hát thì trước hết âm thanh của bài hát đi vào
trong tâm ta một lần. Rồi khi hát lần thứ hai, âm thanh ấy được ướp vào lần
thứ hai. Hát lần thứ ba thì được ướp vào lần thứ ba, cho đến khi hạt giống
đã mạnh rồi thì tự nhiên ta có thể tự hát ra được mà không cần tới người
dạy. Cái đó gọi là huân. Huân thế nào? Huân một cách không thể suy nghĩ,
không thể bàn tính được. Tư tức là suy nghĩ, nghị là bàn luận. Trong đời
sống hàng ngày của chúng ta, những cái gọi là tà niệm kia đã và đang đi
vào ta một cách rất bất tư nghị. Những cái tốt đi vào thì ta cũng không thấy,
những cái xấu đi vào thì ta cũng không hay. Không thể suy tư và bàn luận
được về đường lối huân tập ấy. Đó là ý nghĩa của bốn chữ bất tư nghị huân.
Huân, thường chúng ta dịch là ướp, như là ướp trà. Chúng ta để bông lài
vào trong trà và đậy nắp lại. Ba bốn ngày sau, trà đã hút mùi thơm của bông
lài vào. Tâm của chúng ta cũng thu hút những hạt giống ở ngoài, và tạo