THIỀN SƯ KHƯƠNG TĂNG HỘI - Trang 66

vào thế kỷ thứ I sau khi Bụt nhập diệt. Có rất nhiều chứng cớ, ví dụ như
kinh An Ban Thủ Ý chẳng hạn. Trong kinh An Ban Thủ Ý tiếng Pali, ta
tuyệt đối không nghe nói gì đến tứ thiền, nhưng trong phẩm An Ban Thủ Ý
của Hán tạng, của kinh Tạp A Hàm thì lại có nói về tứ thiền. Những chứng
cớ như thế rất nhiều. Chúng ta biết rằng hệ phái Đồng Diệp Bộ và hệ phái
Hữu Bộ tách ra với nhau mấy trăm năm trước Thiên Chúa giáng sinh, một
bên lên miền cực bắc Ấn Độ để hành đạo suốt một ngàn năm và một bên về
tận Tích Lan. Hôm nay chúng ta may mắn có được hai tạng. Một tạng của
Hữu Bộ và một tạng của Đồng Diệp Bộ để so sánh. Một bên là chữ Hán và
một bên là chữ Pali, do đó khi ta so sánh hai kinh, nếu ta thấy những điểm
gì mà hai kinh nhất trí với nhau, thì ta biết rằng những cái đó có trước sự
phân phái. Còn những cái gì bên này có mà bên kia không có thì có thể
được xem là thêm vào sau. Đó là tiêu chuẩn nghiên cứu và so sánh. Vì vậy
chúng ta biết rằng tư tưởng tứ thiền đã được đưa vào khá sớm, và được từ
từ tiếp tục đưa vào trong các kinh điển. Nói như vậy không có nghĩa là
người ta chỉ đưa Tứ Thiền vào trong các kinh của Hữu Bộ. Sự thực thì
người ta cũng đưa Tứ Thiền vào trong các kinh của Đồng Diệp Bộ và đưa
vào rất sớm. Vì thế khi học về Tứ Thiền, chúng ta nên biết rằng Tứ Thiền
trước hết là khung cảnh của sự thực tập, cũng giống như một cái khung
chúng ta sử dụng để treo một bức họa. Cái quan trọng là nội dung của Tứ
Thiền, mà nội dung này tức là những cái chúng ta đã học như Tứ Niệm Xứ,
Bát Chánh Đạo và An Ban Thủ Ý.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.