phải tham công án. Tư tưởng này đã có sẵn trong giáo lý của thầy Tăng
Hội. Theo thầy phương pháp ấy cũng đơn giản thôi. Biết sống đời sống
hằng ngày có chánh niệm thì khi ta tiếp xúc với một cái gì thì cái đó trở
thành một công án. Ví dụ như khi nghe tiếng hét của một con lợn bị chọc
tiết trong đêm khuya. Tiếng ấy có thể trở thành ra đối tượng của sự quán
chiếu của ta. Ta không có thể quên được. Đi, đứng, nằm, ngồi ta giữ lấy âm
thanh đó. Hồi xưa và bây giờ cũng vậy. Khi nhà khoa học nghiên cứu về
một đối tượng thì trong lúc đi, đứng, nằm, ngồi, người ấy luôn luôn chú
tâm đến đối tượng ấy. Ngày xưa, ông Newton trong khi nghiên cứu về
nguyên lý trọng tâm, tâm của ông hoàn toàn chú tâm vào đối tượng đó. Tuy
không ở trong thiền viện, tuy không có thầy có bạn, nhưng trong khi đi,
đứng, nằm, ngồi, ăn uống... ông đã để hết tâm ý vào chủ đề đó. Vì vậy cho
nên hôm ấy ngồi dưới gốc cây táo, bị trái táo rơi trên đầu, ông đã tìm ra
được thuyết trọng tâm. Người tu đạo cũng vậy, phải có định. Đi, đứng,
nằm, ngồi, ăn uống... trong những thời gian đó, ta phải chú tâm vào một đối
tượng. Có như vậy sức định mới đủ mạnh để chọc thủng được cái vô minh,
và thấy được chân lý. Ta hãy đọc lại: "Người hành giả phải tư niệm về thiền
thế nào cho đúng? Ví dụ như khi mắt mình quan sát người chết, từ đầu tới
chân, thì tâm mình phải tư niệm cho sâu sắc, ghi nhận cho chín chắn, và
duy trì những hình ảnh ấy trong suốt thời gian đi, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm,
uống nước, và làm muôn ngàn chuyện khác. Duy trì niệm ấy trong tâm để
củng cố đạo chí của mình rồi sẽ có thể nuôi dưỡng đối tượng chánh niệm
trong thiền định một cách tự nhiên dễ dàng." Tu thiền không phải chỉ là
ngồi thiền; những lúc ăn cơm, uống nước, đi, đứng, nằm và ngồi đều phải
là những lúc thiền tập cả. Điều này không khác gì với thiền thoại đầu và
thiền công án. Vì vậy cho nên ta thấy thầy Tăng Hội đích thực là tổ sư thiền
học, không phải chỉ là của riêng Việt Nam, mà cả của Trung Hoa và Nhật
Bổn sau này nữa. "Cũng như một người kia đang vít một đũa cơm trong nồi
ra để thử xem cơm chín hay chưa, người ấy chỉ cần nhặt lấy một hạt cơm
lên để quan sát, nếu một hạt mà chín rồi thì cả nồi cơm cũng đã chín. Một
khi đạo chí đã mạnh thì tâm sẽ đi theo hướng ấy tự nhiên như một dòng
nước chảy xuôi." Nước đẩy nước, và tự nhiên ta xuôi về hướng ấy, không