cần cố gắng mệt nhọc mà tâm mình tự nhiên có định. Muốn có định, muốn
dồn hết tất cả tâm lực về đối tượng quán chiếu ấy thì bí quyết là phải củng
cố đạo chí. Mà đạo chí ở đây, ngoài cái nghĩa bồ đề tâm hay sơ tâm, còn có
nghĩa của công án nữa. Ví dụ khi gặp thầy, mình được thầy dạy: "Này con,
con hãy quán chiếu và cho thầy biết là nếu cái tất cả đi về cái một, thì cái
một đi về đâu?" Từ ngày tiếp nhận câu hỏi đó, công án đó, người thiền sinh
có thể mất ăn, mất ngủ. Hoặc ăn thì ăn, ngủ thì ngủ, nhưng công án đó cứ
tiếp tục có mặt hoài từng giây từng phút và trong khi thiền sinh nằm ngủ,
tâm thức của người ấy cũng vẫn tiếp tục làm việc. Không những ý thức làm
việc mà tàng thức cũng làm việc. Cái đó gọi là thiền công án. Thiền thoại
đầu cũng vậy. "Anh hãy cho tôi biết cái mặt mũi của anh ra sao trước khi bà
ngoại anh ra đời" hay "Người niệm Phật là ai?". Nếu ta chỉ chú ý sơ sài tới
câu hỏi thì ta sẽ không thể nào giải quyết được cả. Ta phải đầu tư hết tất cả
con người của ta vào đấy. Tất cả thân và tâm của ta trong suốt ngày, suốt
đêm phải ôm ấp nó thì công án mới vỡ ra, và ta mới có thể phát hiện được
sự thật. Hình ảnh thầy Tăng Hội đưa ra rất hay. Thầy nói rằng khi đạo chí
đã mạnh rồi thì tự nhiên ta không cần phải gượng ép thân tâm mà vẫn có
thể tự nhiên đi về hướng định và hướng quán chiếu. Mình ép mình để có
định rất khó, chỉ khi nào mình có một thao thức lớn, một ý chí lớn như nhà
khoa học kia, muốn tìm tòi ra một cái gì rất quan trọng, thì tự nhiên tất cả
tâm ý của mình và đời sống hằng ngày của mình sẽ đi về hướng ấy. Năng
lượng này giống như một dòng nước, tự nhiên nước đẩy nước, chảy xuôi về
một phía. Đọc trong bài Phương Pháp Đạt Thiền, ta thấy không những tư
tưởng Như Lai Thiền đã có mặt, mà tư tưởng về thiền công án, thiền thoại
đầu cũng đã bắt đầu có mặt.