nhạc và hoa thành những chiếc bè thảm hại; các ban nhạc bèn giở trò giỡn
mặt tôi chơi bài “Được Tới Gần Chúa Hơn” bắt chước đồng nghiệp trên con
tàu Titanic, phát ra những cung đàn lạc điệu kêu ồng ộc như thể hộp đàn và
tâm hồn những chiếc vĩ cầm đang nứt rạn.
Tôi đưa cô ta về tận phòng. Hai người giống như đồ chết trôi cả với nhau.
Tôi bảo:
— Em biết đấy, anh thường gặp may trên trường đời. Không lần nào vồ
trượt.
Im lặng. Rồi tôi hỏi lại lần nữa xem cô có muốn lấy tôi không. Cô nhìn
tôi nghiêm nghị:
— Chưa muốn.
— Nói “không” thì còn hiểu được, nói “chưa”, là thế nào?
— Vì em còn trẻ quá?
— Không phải chỉ vì thế.
Cô hôn lên má tôi.
— Vì anh có vẻ con người lông bông.
— Con người nhảy nhót. Cimballi không lông bông, mà nhảy. Anh,
Cimballi là người như thế.
— Lông bông chạy theo cái mình đòi cho bằng được. Khi nào hết chạy
mời anh đến gặp lại em.
— Mẹ kiếp! Nếu còn chạy hai mươi năm thì sao!
— Thì chạy thật nhanh lên. Hoặc nhảy nhanh lên.
Cô lại hôn lên má tôi (má bên kia), lướt qua môi tôi, đóng sập cửa. Khi
đến địa chỉ cô nói là chỗ cô ở cùng với bố mẹ ở quận XVI, tôi mới biết rằng,
ở đó chẳng hề có ai tên là Catherine Varles.
***
Hôm sau tôi đi Paris, ở đó Landau như con cừu đi vào lò mổ vẫn chưa
biết cái gì sẽ giáng xuống đầu. Tất cả lộn nhào hết; Landau, cặp mắt ánh
vàng của Catherine, sự thông đồng với gã Thổ, chuyện xảy ra ở Hong Kong,
tất cả đều diễn ra gần như trong cùng một thời điểm, và tôi đúng là có vẻ
một gã luôn chân chạy. Quả là tôi luôn luôn rượt đuổi.