Tôi tới nghĩa trang Brompton vào lúc gần ba giờ. Gia quyến thân thuộc
đã có mặt, đứng nép vào nhau dưới một biển ô lúp xúp, đen nhẫy. Không
dám đến gần họ, tôi nấp tạm dưới mái che có cột chống của một ngôi mộ
xây. Người ướt đẫm nước mưa, tôi rét run. Cách xa huyệt có độ một trăm
mét, tôi nhìn rõ lúc quan tài đến, rồi hạ huyệt. Tiếp đến những lời chia buồn
kéo dài. Hai mươi phút nữa trôi qua, đám đông họ hàng bè bạn mới ra về
hết. Đợi đến lúc con đường đã trở lại hoàn toàn vắng lặng tôi mới đặt chân
lên.
Tôi đứng trước mộ hai ba phút. Trời vẫn mưa. Hẳn là tôi buồn rầu, hơn
thế nữa, lòng đau như xé; tuy vậy cũng trong lúc này tôi thấy vẫn còn cơn
cuồng nhiệt gần như cơn say đã xâm nhập vào tôi lúc nãy trên đường. Sau
này mỗi lần nó đến tôi đều nhận dạng được dấu hiệu của nó.
Một người đứng tuổi đi trước tôi vài mét, ra đến đường cái sửa soạn lên
ngồi sau tay lái chiếc Vauxhall.
— Tôi về gần công viên St. James. Ông cho tôi đi nhờ được không?
Thoạt tiên ông ta lắc đầu, sau đó quay nhìn vào nghĩa trang. Rồi ngắm
thật kỹ dáng vẻ chết trôi của tôi; lúc ấy giá tôi có chảy nước mắt khóc cũng
không thể biết được.
— Người nhà anh hử?
— Một thiếu nữ quen.
— Cô ấy bao nhiêu tuổi?
— Mười chín. Nếu còn sống, ba tuần nữa thì tròn mười chín tuổi.
Ông gật gù:
— Còn tôi, là bà vợ.
Ông mở cửa xe:
— Ông vừa nói về công viên St. James?
Ông cho tôi xuống ở cửa nhà thờ Garde. Tuy chẳng nói với nhau câu nào
khác, chúng tôi bắt tay nhau đi khi từ biệt như thể đã gắn bó với nhau bằng
một sự đồng loã thầm kín. Căn nhà phố Old Queen bây giờ trống rỗng, thảm
trải phòng khách cũng chẳng còn. Nhà vang tiếng rất khác lạ và thê thảm. Lá
thư trắng loá trên sàn gỗ xoài đánh xi. Thư bỏ vào qua khe hở dành cho việc
này trên cánh cửa sơn màu đỏ máu. Trong thư vỏn vẹn vài từ tiếng Đức báo