— Biên lai. Tôi trao cho anh mười ngàn bảng và phải báo cáo với ông
Martin Yahl. Lại còn có những thủ tục thông thường nữa: Hôm nay là 23
tháng mười năm 1969, sự uỷ thác di sản của phụ thân anh đã hết hiệu lực lúc
mười hai giờ trưa nay. Từ hôm nay trở đi...
Tôi chỉ nghe một bên tai, bứt rứt vì những cơn buồn nôn, mắt chưa mở ra
nổi.
— Từ hôm nay trở đi anh phải tự lo liệu mọi chuyện. Tấm séc mười ngàn
của anh đây. Cẩn thận đấy, séc vô danh được chi trả cho người xuất trình.
Ký vào đây. Đây nữa.
Trong khoảnh khắc độ một phần trăm giây thoáng qua vô cùng nhanh, tôi
cảm giác có cái bẫy tàn nhẫn đang sập xuống. Cũng có thể về sau tôi mới
tưởng tượng ra cảm giác này. Khi đã biết rõ sự thật. Chỉ biết rằng tôi đã ký
đúng vảo chỗ gã chỉ tay.
Sân bay.
— Anh có muốn ăn uống thứ gì nóng không?
Ô kìa, bây giờ gã lại quan tâm đến tôi! Nhưng vẫn giữ vẻ lạnh lùng. Gã
mặc bộ đồ may sẵn, và điều tệ hại hơn, dáng vẻ gã đúng là dáng vẻ người
bận đồ may sẵn; mang đôi giầy da to, loại thường dùng, chưng một chiếc
đồng hồ bỏ túi mà gã lôi ra xem luôn tay, tuồng như không tin vào các đồng
hồ trong đại sảnh.
Tôi vẫn chưa trả lời câu gã hỏi. Gã kéo tôi tới một cửa bán vé, mua tấm
vé London - Mombasa trả bằng phiếu. “Vâng, một lượt”. Nhưng gã giữ vé
không đưa cho tôi, cả hai cùng đến cửa dành riêng cho khách tay không,
trong khu vực không qua hải quan. Tôi chọn chỗ để chuồn lẫn vào đám
đông, chen giữa tốp người Pakistan chít khăn. Thiếu phụ ngồi bán hoa có
cặp mắt xanh dịu, hơi đần, ngực lép, đôi tay đỏ ửng của thợ giặt.
— Chị có hoa hồng bạch không? Cho một cô gái trẻ.
Tôi ghi tên, địa chỉ, cô phát hoảng:
— Nghĩa trang Brompton?
— Dãy 34 phía Tây. Mới chôn cất sáng nay.
— Không, không cần danh thiếp, không đề tặng, chỉ những bông hồng
bạch là đủ.