Tôi cười:
— Chẳng mánh mung gì sất. Bảy trăm năm mươi đổi một trăm, không
mánh mung vớ vẩn. Không có cớm ló mặt.
— Đợi tí.
Ông ta tới Sở Hối Đoái, hỏi giá chuyển đổi chính thức bằng tiếng Anh rất
đạt. Khi quay lại, vẫn hơi do dự:
— Shilling xịn chứ?
— Ông cứ việc mang đến ngân hàng kiểm tra nếu ông muốn.
Ông quyết định đổi bốn trăm đô. Tôi ra hiệu Chandra vẫn đứng đợi đằng
xa từ nãy; gã lôi trong cái tạm gọi là xắccốt của gã ra, đếm rất cẩn thận đủ
ba ngàn shilling toàn bạc đã dùng rồi. Tôi đã dặn Chandra rất kĩ: Phải đưa
bạc cũ vì những tờ mới cứng dễ làm khách hàng nghi hoặc. Tất nhiên đó là
thứ bạc thiệt hết, nhưng tôi không muốn để nhân viên ngân hàng Trung Tâm
Kenya chú ý đến công việc đổi tiền của tôi.
Ông Munich đi rồi, Chandra thanh toán tiền hoa hồng cho tôi: Hai trăm
shilling - tới hai mươi tám đô. Giá bán đôla ở chợ đen không phải là bảy
shilling mà gần tám rưỡi. Với giá này rất dễ bán. Ở Mombasa cũng như ở
Nairobi có rất đông kiều dân Ấn Độ, họ đang chuẩn bị nối tiếp cuộc di tản
bắt đầu năm 1968 đưa hàng ngàn người Châu Á, nhất là người Ấn Độ trở về
tổ quốc trước những biện pháp của Kenyatta nhằm gạt họ khỏi những vị trí
chủ chốt trong nền thương mại. Chandra và đồng bào của gã chỉ có cách
mua đôla mới mong mang theo được của cải, tiền tiết kiệm khi phải ra đi, có
khi phải ra đi rất vội vàng. Do đó họ đổ xô vào mua đôla với giá tám rưỡi,
chín, thậm chí mười ăn một. Tôi đánh vào chỗ đó: Chênh lệch tỉ giá giữa hai
đồng tiền, và cơn sốt đôla. Mà phải đánh thật nhanh.
Tôi tận dụng một sự kiện mới mà chính những người Ấn Kiều không
thấy rõ: Sự gia tăng đột ngột các du khách Châu Âu, nhất là người Đức. Và
phải làm nhanh vì sớm muộn nhà chức trách Kenya sẽ hỏi thăm tôi, họ
không thể chấp nhận sự can thiệp của tôi tuy trước mắt nó chưa thật sự trái
pháp luật. Chandra nở nụ cười vô cùng rạng rỡ: Tuy đã trích ra tiền hoa
hồng của tôi, gã chỉ phải trả có ba ngàn hai trăm shilling thay vì ba ngàn bốn