Tối hôm qua bà không muốn đọc nên đã xem tivi. Hay chính xác là nghe
tivi, vì trong vòng nửa tiếng là bà đã mơ màng ngủ. Bà chỉ nghe tiếng được
tiếng mất như những lúc ta nửa tỉnh nửa mơ nghe loáng thoáng vài câu
chuyện của hành khách trên tàu. Đó là một chương trình về các giáo phái
hiện đại. Các phóng viên đã phỏng vấn hàng loạt những người sùng đạo, vài
người chân thật, vài kẻ xạo sự, và tất cả họ đều huyên thuyên tràng giang đại
hải. Bà liên tục nghe thấy từ nghiệp chướng, và nó làm bà nghĩ tới giáo sư
triết học của bà ở trường trung học.
Thầy còn trẻ và có vẻ không theo bất kỳ tôn giáo nào vào thời điểm đó.
Khi giảng dạy về Schopenhauer, thầy có nói một chút về các trường phái
triết học Á Đông và từ đó giới thiệu quan niệm về nghiệp chướng. Lúc ấy bà
không chú tâm lắm, từ ngữ và ý nghĩa của nó cứ chạy vào tai này rồi lọt qua
tai kia. Qua nhiều năm, trong đầu bà vẫn còn loáng thoáng một ý niệm mơ
hồ rằng nghiệp chướng có liên quan đến luật vay trả, ăn miếng trả miếng,
gieo gió gặt bão hay đại loại thế. Bà đã không hề nghĩ đến nghiệp chướng
hay những gì liên quan tới nó cho đến khi cô hiệu trưởng trường mầm non
gọi bà đến để bàn luận về hành vi kỳ lạ của cháu. Cháu đã làm náo động cả
trường! Trong giờ kể chuyện, chẳng hiểu vì sao cháu lại bắt đầu kể về kiếp
trước của cháu. Lúc đầu các giáo viên nghĩ rằng đó chỉ là hành động trẻ con
còn sót lại bên trong cháu. Họ cố không cho rằng câu chuyện ấy là quan
trọng cũng như ra sức đưa cháu vào thế bí. Nhưng cháu đã không hề mắc
bẫy, thậm chí cháu còn nói một thứ tiếng nước ngoài mà chưa ai nghe thấy
bao giờ. Khi việc đó xảy ra đến lần thứ ba, cô hiệu trưởng đã mời bà đến văn
phòng. Cô ta khuyên rằng bà cần đưa cháu đến một chuyên gia tâm lý
chuyên điều trị trẻ em để giúp ích cho cháu và cả tương lai của cháu sau này.
“Cô bé bị tổn thương,” cô ta nói, “việc cư xử như vậy là tất yếu, cô bé chỉ cố
gắng để thoát khỏi thực tại.” Lẽ dĩ nhiên là bà không bao giờ đưa cháu đến
chuyên gia tâm lý nào cả. Đối với bà, cháu là một đứa trẻ vui tươi, bà nhất
định tin rằng những tưởng tượng kỳ lạ của cháu không bắt nguồn từ hiện tại
u buồn mà bởi vì những nguyên nhân hoàn toàn khác. Bà chưa bao giờ buộc
cháu phải nói về những chuyện đã xảy ra, và cháu cũng không cảm thấy cần
nhắc lại chúng. Có thể là những câu chuyện làm khiếp vía các giáo viên ở