tuyệt mật.” Sau đó con bé chuyển mắt từ cây liễu sang đồng hồ đeo tay của
mình và nói, “Muộn rồi, con có một buổi họp quan trọng. Mẹ phải đi thôi.”
Bà không hề bận tâm, thay vì ra đi, bà bước đến nắm lấy tay nó. “Điều gì
đang xảy ra vậy con?” bà hỏi. “Cái gì đang làm con khó chịu thế?” Bà nghe
tiếng thở của con bé gấp hơn. “Tim mẹ đau nhói khi thấy con ra nông nỗi thế
này,” bà thêm vào. “Cho dù con có từ mẹ, nhưng mẹ nào muốn từ con. Mẹ
muốn giúp con, nhưng nếu con không chịu thì làm sao mẹ giúp được chứ.”
Đúng lúc đó thì chiếc cằm của nó bắt đầu run run như mỗi khi nó sắp sửa
khóc òa khi còn là một cô bé. Con bé giật tay ra và quay mặt vào tường.
Thân hình gầy guộc và căng cứng của nó run bần bật trong tiếng khóc nức
nở. Bà vuốt tóc nó, đầu con bé nóng như lửa còn đôi tay lại lạnh như đá.
Con bé quay người lại ôm chầm lấy bà và giấu gương mặt lên vai bà. “Mẹ
ơi,” con bé nói. “Con... con...”
Vào đúng khoảnh khắc đó thì tiếng chuông điện thoại reo vang.
“Cứ để nó reo,” bà thầm thì vào tai con bé.
“Con không thể,” nó trả lời và lau nước mắt.
Khi nhấc ống nghe lên, giọng con bé lại trở nên đanh thép và xa lạ. Từ
cuộc nói chuyện ngắn ngủi của nó, bà biết rằng có chuyện gì đó rất nghiêm
trọng đã xảy ra. Sự thật là ngay sau khi gác máy, con bé nói, “Con xin lỗi,
nhưng giờ mẹ phải đi thôi.” Cả hai mẹ con cùng nhau bước ra, khi đến cửa
thì con bé trở lại là chính mình trong giây lát để ôm bà thật nhanh và đầy hối
hận. “Không ai có thể giúp con đâu,” con bé thì thầm khi ghì chặt lấy bà. Bà
đi cùng nó vài bước đến chỗ khóa chiếc xe đạp của nó. Con bé cưỡi lên xe
và luồn hai ngón tay phía dưới sợi dây chuyền của bà rồi nói, “Ngọc trai
phải không? Vật thông hành đặc biệt của mẹ đây mà. Mẹ chưa bao giờ có
gan đi một bước mà không đeo nó từ lúc mới chào đời!”
Sau nhiều năm trôi qua, đó chính là tình tiết với mẹ cháu mà bà nhớ nhất.
Bà thường hay suy tư về nó. Bà tự hỏi rằng tại sao trong tất cả những ký ức
giữa hai mẹ con thì tình tiết đặc biệt này vẫn luôn xuất hiện đầu tiên trong trí
nhớ của bà? Mới hôm nay thôi, khi bà nghĩ về nó đến lần thứ mười nghìn thì
bỗng dưng nhớ tới một câu nói xưa, “Lưỡi luôn dò đến chỗ răng đau.” Có lẽ