Ngày 10 tháng Mười Hai
Kể từ khi cháu ra đi, bà không còn đọc báo nữa vì cháu chẳng còn ở đây
để mua mà cũng không có ai mang đến cho bà. Lúc đầu bà nhớ chúng thật,
nhưng rồi dần dần bà cũng thấy nguôi ngoai. Bà nhớ cha của Isaac Bashevis
Singer từng nói rằng trong tất cả các thói quen của con người hiện đại, đọc
nhật báo là điều tệ hại nhất. Cứ mỗi sáng, khi tinh thần của chúng ta dễ tiếp
thu nhất thì lại bị bao nhiêu điều xấu xa đã xảy ra trên thế giới vào ngày hôm
trước dồn dập đổ vào. Vào thời của ông ấy, người ta có thể cứu vãn chính
mình bằng cách phớt lờ báo chí, nhưng ngày nay như thế là chưa đủ, chúng
ta còn có tivi và radio. Hễ mở chúng lên trong giây lát là hàng loạt điều xấu
xa nhảy bổ vào và làm ta bực hết cả mình.
Sáng nay việc này đã xảy ra đấy. Bà mở tin tức khu vực trong lúc mặc đồ
và nghe rằng những đoàn người tị nạn đã được cho phép vượt qua biên giới.
Họ đã mỏi mòn chờ đợi ở đó suốt bốn ngày và chẳng được đi tiếp mà cũng
không thể quay trở lại. Họ cõng theo người già, người đau ốm và có nhiều
phụ nữ với trẻ con. Phát thanh viên nói rằng nhóm đầu tiên đã đến được trại
của Hội Chữ Thập Đỏ và những người tị nạn đang được chăm sóc ở đó.
Cuộc chiến này làm bà đau đớn ghê gớm, nó ở quá gần đây và thật thiếu văn
minh. Mỗi khi chiến tranh nổ ra, bà lại cảm thấy như có một chiếc gai chọc
thủng trái tim mình. Bà biết đó là một hình ảnh sáo rỗng, nhưng chỉ có nó
mới lột tả hết cảm giác của bà cháu ạ. Sau một năm thì nỗi đau của bà đã
nhường chỗ cho sự căm phẫn, bà không thể tin được rằng chẳng ai có thể
can thiệp và chặn đứng cuộc tàn sát này. Nhưng rồi bà phải chấp nhận một
điều rằng: Cái đất nước đó chẳng có giếng dầu nào, chỉ toàn là núi đá cằn
khô thôi. Và đến khi lòng căm phẫn đã chuyển sang thịnh nộ thì cơn thịnh
nộ ấy cứ mãi gặm nhấm bà như một con mọt gỗ vô cùng bướng bỉnh.