lên lầu.
Ricky và tôi gật đầu chào nhau từ hai đầu căn phòng, im lặng nhất trí
chịu đựng sự có mặt của những người khác thêm một hay hai tiếng nữa.
Chúng tôi đã không hề nói chuyện với nhau kể từ hôm cậu ta suýt nữa đẩy
tôi văng khỏi nóc nhà, nhưng cả hai chúng tôi đều hiểu tầm quan trọng của
việc duy trì cái ảo tưởng rằng mình có bạn bè. Tôi đang định tới nói chuyện
với cậu ta thì bác Bobby nắm khuỷu tay kéo tôi vào một góc. Bác Bobby là
một người đàn ông vạm vỡ với khuôn ngực thùng tô nô, lái một chiếc xe to
tướng, sống trong một ngôi nhà lớn và sớm muộn gì cũng sẽ gục ngã trước
một cơn đau tim mạnh mẽ, kết quả của bao nhiêu gan ngỗng béo và
hamburger cỡ lớn ông đã nhét vào bộ ruột của mình theo năm tháng, để lại
mọi thứ cho đám anh họ nghiện cần sa của tôi và bà vợ bé nhỏ lặng lẽ của
ông. Ông cùng bác Les của tôi là hai đồng chủ tịch của Smart Aid, và họ
luôn làm việc này - kéo người ta vào góc để thì thào bí hiểm, như thể đang
toan tính một vụ giết người chứ không phải tán thưởng món xốt quả bơ của
bà chủ nhà.
“Mẹ cháu bảo là cháu đang thực sự vượt qua được, ờ... chuyện ông nội
cháu.”
Chuyện của tôi. Chẳng ai biết phải gọi nó là gì.
“Rối loạn stress cấp tính”, tôi nói.
“Cái gì?”
“Đó là thứ cháu gặp phải. Đã gặp phải. Thế nào cũng được.”
“Thế thì tốt. Thật mừng khi nghe thấy thế.” Ông phẩy tay như thể để gạt
tất cả những chuyện chẳng thú vị gì đó lại sau lưng chúng tôi. “Mẹ cháu và
bác nghĩ vậy. Cháu có thích tới Tampa vào hè này để xem tình hình làm ăn
của gia đình không? Đến trụ sở công ty với bác để vỡ vạc đầu óc một thời
gian thì sao nào? Trừ phi cháu thích các kệ xếp hàng hơn!” Ông phá lên
cười to đến mức tôi bất giác lùi lại một bước. “Cháu thậm chí có thể ở tại
ngôi nhà, đi câu cá cháo với bác và các anh họ cháu vào dịp cuối tuần.” Sau
đó, bác tôi dành ra năm phút lê thê mô tả chiếc du thuyền mới của ông, đi
vào những chi tiết tỉ mỉ, gần như khêu gợi, như thể chỉ mình chuyện đó thôi