nửa những gì họ nói tôi hoàn toàn không hiểu nổi. Bố tôi cảm ơn ông này
và quay ra để đi tiếp, nhưng thấy ông ta hữu ích đến thế, tôi bèn nán lại hỏi
ông ta thêm một câu nữa.
“Bố con cháu có thể tìm thấy trại trẻ cũ ở đâu ạ?”
“Cái gì cũ cơ?” ông ta vừa hỏi vừa nheo mắt nhìn tôi.
Trong một khoảnh khắc kinh khủng, tôi đã sợ rằng chúng tôi đến nhầm
đảo, hay còn tệ hơn thế, cái trại trẻ kia cũng chỉ là một thứ nữa ông nội tôi
bịa ra.
“Có phải từng có một khu trại cho những đứa trẻ tị nạn không ạ?” tôi hỏi.
“Trong thời chiến? Một ngôi nhà rất lớn ấy ạ?”
Người đàn ông cắn môi nhìn tôi đầy ngờ vực, như thể cân nhắc xem nên
giúp đỡ hay phủi tay sạch sẽ. Nhưng rồi ông ta thấy thương hại tôi. “Tôi
không biết gì về người tị nạn cả”, ông ta nói, “nhưng tôi nghĩ tôi biết nơi
cậu muốn nói tới. Nó ở cách đây khá xa, ở bên kia hòn đảo, phải đi qua đầm
lầy và khu rừng. Nhưng nếu tôi là cậu, tôi sẽ không lang thang tới đó một
mình. Chỗ ấy nằm cách quá xa đường đi và sẽ chẳng ai nghe được cậu gọi -
chẳng có gì ngoài cỏ ướt và phân cừu để tránh cho cậu khỏi bước thẳng ra
khỏi vách đá.”
“Thật tốt được biết vậy”, bố tôi vừa nói vừa đưa mắt nhìn tôi. “Hứa với
bố là con sẽ không một mình tới đó.”
“Được rồi, được rồi.”
“Mà cái gì khiến các vị quan tâm tới chỗ đó vậy?” người đàn ông hỏi.
“Nơi đó đâu có trên bản đồ du lịch.”
“Chỉ là một nghiên cứu phả hệ nho nhỏ thôi”, bố tôi nán lại gần cửa để
trả lời. “Bố tôi đã ở đó vài năm khi còn bé.” Tôi có thể thấy ông nỗ lực
tránh đề cập bất cứ điều gì về bác sĩ tâm lý hay việc ông nội đã qua đời. Bố
tôi cảm ơn người phụ trách bảo tàng thêm lần nữa rồi hối hả kéo tôi ra khỏi
cửa.
Theo lời chỉ dẫn của người phụ trách bảo tàng, chúng tôi lần bước trở lại
cho tới khi bắt gặp một bức tượng bộ dạng ảm đạm tạc bằng đá đen, một đài