Bọn họ không để tâm đến những chuyện ngoài lề ấy, tiếp tục đi vòng tới
một cái sân lớn, ở giữa là một tòa điện Đại Chân Vũ, một bên là cục Pháp
Lục, bên kia chính là điện Giáp Tý. An Long Nhi khẽ nói nhỏ một câu
“điện Giáp Tý” với Tôn Tồn Chân, đoạn nhảy xuống bên dưới tường bao
trước, sau đó hai người men theo tường bao đi ra phía sau điện Giáp Tý.
Theo suy đoán của An Long Nhi, Giáp Tý hậu chính là phía sau của điện
Giáp Tý này. Phía sau điện Giáp Tý là tường điện và tường bao xung quanh
phủ Thiên Sư, giữa hai bức tường có một khóm trúc, An Long Nhi và Tôn
Tồn Chân đứng bên cạnh khóm trúc ấy gãi đầu. Tôn Tồn Chân hỏi: “Có
phải đào ở chỗ này không?” An Long Nhi đáp: “Khẩu quyết nói là ‘Hồ Tiên
Giáp Tý hậu’, phía sau điện Hồ Tiên chính là điện Giáp Tý rồi còn gì, Giáp
Tý hậu không phải chính là chỗ này sao?”
Tôn Tồn Chân nói: “Không đúng, trong điện Giáp Tý còn một Giáp Tý
hậu nữa, chính là sau lưng Giáp Tý Thái Tuế Kim Biện tướng quân, mau
vào trong điện xem…” Y vừa nói vừa chạy trước An Long Nhi. An Long
Nhi không kịp phản ứng, lòng thầm thắc mắc không hiểu tại sao Tôn Tồn
Chân lại biết chuyện bên trong Đạo giáo như thế? Hẳn những người từng
làm đạo sĩ đều biết Giáp Tý hậu là cái gì? Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng người
nó đã phóng theo Tôn Tồn Chân ra phía sân, vòng tới cửa chính của điện
Giáp Tý.
Bên kia sân là Pháp Lục cục, nơi lưu trữ hồ sơ, bí điển của các triều đại,
bên trong cửa có một lão đạo sĩ đi ra, vừa khéo trông thấy hai người lạ
tướng mạo ăn mặc đều cổ quái chạy vào điện Giáp Tý, đang định cất tiếng
hỏi là ai, thì người đàn ông che mặt áo đen dáng người nhỏ nhắn đã vung
gậy lên đập vỡ khóa cửa xông vào điện, sau đó thiếu niên đầu chít khăn
cũng xông vào theo.
Lão đạo sĩ thấy vậy liền nghĩ, hai kẻ này không phải trộm thì còn là gì
nữa, vội hô hoán: “Người đâu! Mau tới điện Giáp Tý bắt trộm!”