Đó là lý do tại sao mà điều quan trọng là bộ máy pháp lý của Nhà nước phải đặc
biệt rõ ràng và nghiêm minh trong chính những điều khoản của nó. và điều chính
yếu là, Hiến pháp - vốn là luật nền tảng của quốc gia - có nhiệm vụ tiên liệu một
tình trạng phân quyền - lập pháp, hành pháp và tư pháp - sao cho không có sự lạm
quyền nào, trong bất kỳ tình huống nào, có thể xảy ra và gây phương hại đến tự
do của công dân.
Đúng là, trong các nước dân chủ, nhân dân có vẻ được làm điều mình muốn.
Nhưng tự do chính trị tuyệt đối không phải là muốn làm gì thì làm. Trong một
nước có luật pháp, tự do chỉ có thể là được làm những cái nên làm và không bị ép
buộc làm điều gì không nên làm (1).
Cần ghi nhớ thế nào là độc lập và thế nào là tự do. Tự do là quyền được làm tất cả
những điều mà luật cho phép. Nếu một công dân làm điều trái luật thì anh ta
không còn được tự do nữa; vì nếu để anh ta tự do thì mọi người đều làm trái luật
cả.
Chính thể dân chủ và chính thể quý tộc không phải là những Nhà nước tự do từ
bản chất. Tự do chính trị chỉ tìm thấy trong những chính quyền ôn hoà. Nhưng
không hẳn là luôn luôn có được tự do trong những Nhà nước ôn hoà: tự do chỉ có
được khi người ta không lạm quyền; nhưng một kinh nghiệm muôn đời cho thấy
rằng mọi con người khi nắm được quyền lực đều có khuynh hướng lạm quyền;
hắn ta cứ phăng phăng mà đi theo ý mình cho đến khi đụng phải những giới hạn.
Ai bảo thế! Song chính đức hạnh cũng nên có giới hạn cơ mà!
Để người ta không thể lạm quyền, thì phải bằng cách bài trí và điều lý sự vật, sao
cho quyền ngăn chận quyền (le pouvoir arrête le pouvoir). Một Hiến pháp phải
làm sao cho không ai sẽ bị bắt buộc phải làm những điều mà luật pháp không bắt
buộc anh ta, và không làm những gì mà luật pháp cho phép anh ta.
MONTESQUIEU, Vạn pháp tinh lý, Quyển XI, Chương 3, 4.
1. Một định nghĩa rất đẹp về tự do của Cicéron.
Việc phân quyền (La distribution des pouvoirs)