Lo ngại khi thấy nền quân chủ nước Pháp tiến đến tình trạng chuyên chế,
Montesquieu đề cập trong quyển XI một vấn đề mới: làm thế nào người ta có thể
cứu vãn tự do, trong một nền Cộng hoà hay trong một nền Quân chủ?
Là thành viên của Nghị viện Bordeaux, tác giả nhận định rằng Nghị viện phải -
cùng với tầng lớp quý tộc và các thành phố - nắm giữ vai trò quan trọng như là
"người bảo vệ những luật lệ nền tảng của vương quốc". Là người đọc sách chính
trị của Aristote và quyển Tiểu luận về chính quyền dân sự của Locke, ông đã hiểu
rằng tự do chính trị tất yếu phát sinh từ những luật lệ được đặt ra ràng buộc chính
quyền và rằng, để tránh những lạm dụng thì quyền làm ra luật, quyền thi hành
luật và quyền xét xử theo luật không được để nằm gọn trong một bàn tay hay một
số bàn tay.
Trong mỗi quốc gia đều có ba thứ quyền lực: Quyền lập pháp, quyền thi hành
những điều hợp với quốc tế công pháp và quyền thi hành những điều luật trong
luật dân sự.
Với quyền lực thứ nhất, nhà vua hay pháp quan làm ra các thứ luật cho một thời
gian hay vĩnh viễn, và sửa đổi hay huỷ bỏ luật này.
Với quyền lực thứ hai, nhà vua quyết định việc hoà hay chiến, gửi Đại sứ đi các
nước, thiết lập an ninh, đề phòng xâm lược.
Với quyền lực thứ ba, nhà vua hay pháp quan trừng trị tội phạm, phân xử tranh
chấp giữa các cá nhân. Người ta sẽ gọi đây là quyền tư pháp, và trên kia là quyền
hành pháp quốc gia.
Tự do chính trị của công dân là sự yên tâm vì mỗi người nghĩ rằng mình được an
ninh. Muốn đảm bảo tự do chính trị như vậy thì Chính phủ phải làm thế nào để
mỗi công dân không phải sợ một công dân khác.
Khi mà quyền lập pháp và quyền hành pháp nhập lại trong tay một người hay một
Viện nguyên lão, thì sẽ không còn gì là tự do nữa; vì người ta sợ rằng chính ông
ta hay viện ấy chỉ đặt ra luật độc tài để thi hành một cách độc tài.