có quyền tư pháp là các Quaranties (carăngti). Nhưng cái dở là các toà án khác
đều do những tập đoàn quan cai trị chia nhau nắm lấy, nên cũng chỉ là một thứ
quyền lực duy nhất mà thôi.
Quyền phán xét không nên giao cho một Viện Nguyên lão thường trực, mà phải
do những người trong toàn thể dân chúng được cử ra từng thời gian trong một
năm, do luật quy định, lập thành toà án, làm việc kéo dài bao lâu tuỳ theo sự cần
thiết.
Làm như thế thì quyền xét xử, một thứ quyền đáng sợ đối với người đời, không
gắn vào một cơ quan nào hay một chức vụ nào, nó trở thành như là vô hình, như
là con số không. Người ta không luôn luôn nhìn thấy toà án trước mắt mình, nên
người ta chỉ sợ cơ chế cai trị chứ không sợ các quan cai trị.
Trong các vụ án lớn, người bị cáo tranh chấp với luật pháp cần được tự mình
chọn thẩm phán cho mình (nên hiểu là luật sư bào chữa - ND), hoặc ít ra là có
quyền từ chối người thẩm phán đã được chỉ định mà bị cáo không thích.
Còn như quyền lập pháp và quyền hành pháp thì có thể giao cho các cơ quan
thường trực và các quan chức, vì nó không áp dụng cho từng cá nhân. Quyền lập
pháp thể hiện ý chí chung của quốc gia, quyền hành pháp thì thực hiện ý chí
chung đó.
Nhưng nếu các toà án không nên là cố định thì các án văn lại phải cố định, đến
mức chỉ ghi lại những điều cụ thể trong luật. Nếu án văn là quan điểm riêng tư
của pháp quan thì người công dân trong xã hội sẽ không biết mình đã tham gia
khế ước xã hội như thế nào.
Các thẩm phán cũng cần phải ngang địa vị như bị cáo hoặc những người đồng
đẳng với bị cáo, để người bị cáo không nghĩ rằng mình đang nằm trong tay những
kẻ sẵn sàng làm hại mình.
Nếu bên lập pháp để cho bên hành pháp có quyền bắt những công dân có thể tự
bảo lĩnh nhân cách của mình, thì tự do không còn nữa. Chỉ có thể bắt công dân
khi họ phải trả lời ngay lập tức điều buộc tội mà luật pháp coi là tội nặng nhất.