Trong trường hợp này người công dân vẫn là tự do, vì họ chỉ phục tùng uy quyền
của luật mà thôi.
Trong trường hợp có nguy cơ xảy ra âm mưu phản loạn hoặc tư thông với giặc
ngoài, thì cơ quan lập pháp có thể cho phép cơ quan hành pháp bắt các công dân
bị tình nghi trong một thời gian ngắn. Trong thời gian ngắn này người công dân
bị bắt mất tự do, nhưng là để bảo vệ tự do mãi mãi.
( ………… )
Trong một nước tự do, mọi người đều được xem như có tâm hồn tự do, thì họ
phải được tự quản; như vậy tập đoàn dân chúng phải có quyền lập pháp. Nhưng
trong một nước lớn thì không thể mỗi công dân đều làm việc lập pháp. Trong một
nước nhỏ, việc này cũng rất khó khăn; cho nên dân chúng thực hiện quyền lập
pháp bằng cách giao cho các đại biểu của mình làm mọi việc mà cá nhân công
dân không thể tự mình làm lấy được.
Người dân biết rõ những như cầu của thành phố mình hơn là của các thành phố
khác. Người ta hiểu rằng năng lực của người láng giềng mình hơn là láng giềng
của người khác. Vì vậy các thành viên của cơ quan lập pháp nên để dân chúng
mỗi địa phương chọn lấy một người, chứ không nên bầu chung trong cả nước. Ưu
thế lớn của các đại biểu là họ có thể bàn cãi về mọi công việc. Dân chúng thì
không làm như thế được. Đây là một trong những điều bất tiện lớn của thể chế
dân chủ.
Các đại biểu đã nhận được ý kiến chung của những người bầu ra mình, không
nhất thiết trong từng việc nhỏ đều phải hỏi ý kiến cử tri như trong Nghị hội ở
Đức.
Đành rằng làm như thế thì tiếng nói của các đại biểu phản ảnh được tiếng nói của
cả nước; nhưng như vậy thì sẽ kéo dài vô tận; và trong trường hợp cấp bách tất cả
sức mạnh quốc gia sẽ bị ngưng trệ vì lối làm việc đó.
Ông Sidney (x) nói rất đúng rằng khi các đại biểu thay mặt cho một tập đoàn dân
chúng như ở Hà Lan thì họ lại báo cáo công việc với các cử tri. Còn như ở Anh,
các đại biểu do cả thị trấn bầu ra thì lại khác.