Cơ cấu quý tộc nên là cha truyền con nối, trước hết do bản chất của nó, mặt khác
vì nó phải bảo vệ đặc quyền, mà đặc quyền tự nó là cái đáng ghét, luôn bị đe doạ,
nên mới bảo vệ.
Nhưng quyền lực cha truyền con nối có thể chỉ biết đến lợi ích riêng tư của nó mà
quên mất lợi ích dân chúng; cho nên phải có một lợi ích tối cao để có thể làm nó
bị tê liệt, giống như luật tịch thu tiền bạc vậy. Luật tối cao này cho phép Nghị
viện quý tộc chỉ được tham gia công cuộc lập pháp với chức năng ngăn cản chứ
không có chức năng quy định.
Tôi gọi chức năng quy định là quyền tự mình ra lệnh, hoặc tự mình sửa lại điều
mà người khác đã ra lệnh.
Tôi gọi chức năng ngăn cản là quyền làm cho quyết định của người khác trở
thành vô hiệu, giống như quyền của Chấp chế quan (tribun) thời Rôma xưa. Và ai
đã có quyền ngăn cản thì cũng có quyền chuẩn y, mà đã chuẩn y tức là không
dùng tới các quyền ngăn cản nữa.
Quyền hành pháp thì phải trong tay một vị vua chúa, vì rằng quyền hành pháp
luôn luôn cần đến một hành động nhất thời, để cho một người làm thì hơn là
nhiều người cùng nắm; nó khác với quyền lập pháp do nhiều người thì hơn là một
người ban hành.
Nếu không có vua chúa thì quyền hành pháp sẽ uỷ thác cho một số người trong
cơ quan lập pháp, và như thế thì sẽ không còn tự do nữa; vì hai quyền hành pháp
và lập pháp nhập làm một và mấy con người ấy có thể nhúng tay vào cả quyền
này và quyền kia.
Nếu cơ quan lập pháp trong mọt thời gian khá dài không họp bàn gì cả thì cũng sẽ
không còn tự do; vì như vậy sẽ xảy ra một trong hai điều: Hoặc là không có nghị
quyết lập pháp gì thì Nhà nước sẽ rơi vào tình trạng vô chính phủ. Hoặc là các
nghị quyết lập pháp cũ bị cơ quan hành pháp nắm lấy và thao túng, thành ra tình
trạng chuyên chế.
Nếu cơ quan lập pháp cứ họp luôn luôn thì cũng vô ích. Đó sẽ là điều bất tiện cho
các đại biểu, và làm cho cơ quan hành pháp quá bận rộn, không lo được việc chấp