hành, mà chỉ lo bảo vệ quyền hành chuyên trách của mình. Hơn nữa, nếu cơ quan
lập pháp họp liên miên thì chỉ tính chuyện đưa các nghị viên mới thay chân các
nghị viên đã chết, và trong trường hợp này nếu cơ quan lập pháp bị sa đoạ thì sẽ
vô phương cứu chữa. Khi mà cơ quan lập pháp khoá nọ nối tiếp khoá kia xoành
xoạch thì nhân dân sẽ có quan niệm xấu đối với Nghị viện đương thời, chỉ hy
vọng ở Nghị viện khoá sau, nhưng rồi khoá nào cũng như nhau cả thì nhân dân sẽ
thấy rõ cơ quan lập pháp đã bại hoại, chẳng hy vọng gì ở luật pháp nữa, họ sẽ tức
giận, hoặc hững hờ với việc nước.
Cơ quan lập pháp không nên tự mình triệu tập lấy mình. Nên để cơ quan hành
pháp quy định thời hạn và thời gian các cuộc họp Nghị viện tuỳ theo tình huống
mà cơ quan hành pháp cho là cần thiết. Cơ quan lập pháp chỉ được coi là có ý chí
nếu nó họp bàn. Mà đã họp thì phải họp toàn thể, nếu không thì dân chúng sẽ
không hiểu bộ phận nào thực sự là cơ quan lập pháp - bộ phận đang họp, hay là
bộ phận sẽ họp sau…
MONTESQUIEU, Vạn pháp tinh lý, Quyển XI, Chương 6.
Luật lệ như là những tương quan: với khí hậu… (1)
Dưới Hiến pháp, những luật thông thường - được đặt ra để quản lý những hành vi
của công dân trong khi vẫn tôn trọng tự do của tất cả, phải lưu ý đến bản sắc đặc
thù của mỗi xứ sở: đến những đặc điểm về địa lý cũng như đến bản chất xã hội -
đạo đức mà Montesquieu gọi là "tinh thần chung của một dân tộc."
I. Ở các vùng khí hậu khác nhau tính cách, tinh thần, tình cảm và dục vọng của
con người cũng rất khác nhau. Nếu như thế thì luật pháp cũng phải tương ứng với
sự khác nhau ấy.
II. Không khí lạnh làm cho các đầu thớ bên ngoài của cơ thể chúng ta xiết lại với
nhau, do đó làm tăng động lực của thở, giúp cho máu từ phía ngoài trở về tim dễ
dàng hơn. Không khí lạnh làm cho các thớ co ngắn lại, do đó tăng thêm sức mạnh
cho nó. Trái lại không khí nóng làm dãn các đầu thớ, khiến nó dài ra, nên sức
mạnh và động lực của nó đều giảm đi.