Tất cả các công dân trong mọi quận, huyện đều được bỏ phiếu để chọn đại biểu,
chỉ trừ những người trong tình trạng quá thấp kém đến nỗi phải coi như không
còn chút ý chí cá nhân (như người mất trí - ND).
Trong phần lớn các nước cộng hoà thời xưa có một điều không hay, là dân chúng
trực tiếp tham gia giải quyết việc nước. Họ đòi thực hiện một số việc mà họ
không đủ sức làm.
Dân chúng chỉ nên tham gia việc nước bằng cách chọn đại biểu của mình là
những người đủ năng lực làm việc. Chẳng mấy ai hiểu rõ được trình độ cụ thể của
tất cả mọi người khác, cho nên mỗi người lại có thể tin rằng người mình chọn làm
đại biểu là sáng suốt hơn các người khác.
Cơ quan đại biểu dân chúng không nên giải quyết các công việc cụ thể, vì họ
không thể làm tốt điều này. Cơ quan đại biểu cho dân chỉ nên làm ra luật, và xem
xét người ta thực hiện luật như thế nào. Điều này thì có thể làm tốt, và không ai
có thể làm tốt hơn là cơ quan đại biểu của dân.
Trong một nước luôn luôn có những người nổi bật lên vì dòng giống, vì của cải,
hoặc vì danh vọng của họ. Nếu họ cũng chỉ được dùng một lá phiếu bầu như dân
chúng nói chung, thì sự tự do chung là nô lệ đối với họ, họ không tha thiết gì bảo
vệ sự tự do chung đó, vì phần lớn các điều quyết nghị chung sẽ chống lại họ. Cho
nên khi họ tham gia công cuộc lập pháp thì họ nên được một tỷ lệ cao tương ứng
với vị thế ưu việt mà họ có trong quốc gia. Như vậy, họ sẽ hợp thành một cơ cấu
riêng (trong hệ thống lập pháp - ND), cơ cấu này được quyền đình chỉ các dự
định của dân chúng, cũng như dân chúng có quyền đình chỉ các dự định của họ.
Như vậy là quyền lập pháp được giao cho hai cơ cấu: một bên là đại biểu quý tộc,
bên kia là đại biểu dân chúng. Mỗi bên có nghị viện thảo luận riêng rẽ theo quan
điểm và quyền lợi của mình.
Trong ba quyền lực mà chúng ta nói tới thì quyền tư pháp dường như không là cái
gì cả; còn hai quyền lập pháp và hành pháp lại cần có một uy lực điều chỉnh để
dung hoà; mà bộ phận lập pháp gồm các nhà quý tộc thật là thích đáng để phát
huy tác dụng điều hoà này.