individus égaux) mới tạo thành những mối liên hệ xã hội. Việc thế tục hoá những
nền tảng của pháp quyền kiểu đó đã tách rời tư tưởng chính trị khỏi thần học
nhưng còn chưa nói đến việc khẳng định quyền bất khả chuyển nhượng (le droit
inaliénable) của một dân tộc để quyết định mọi quốc sự của mình.
Không có sự phục tùng hoàn toàn nào là chính đáng cả
Uy quyền của cha mẹ, một thứ uy quyền duy nhất có tính tự nhiên, cũng ngưng
lại khi đứa con đến tuổi thành niên và chịu trách nhiệm. Còn uy quyền thủ đắc
nhờ bạo lực chỉ là tương quan sức mạnh. Quyền bính được chấp nhận bởi sự toả
thuận chúng phải được hạn chế vào ích lợi chung (công ích). Ta nên chú ý lập
luận có tính bút chiến chĩa ngược lại những lý thuyết gia của uy quyền thiêng
liêng: Chỉ có Thượng đế là chủ tể tuyệt đối, mọi quyền bính của con người muốn
trở thành tuyệt đối nhân danh Đấng tối cao đều là tiếm vị và mang tính sùng bái
ngẫu tượng.
Không hề có con người nào từng nhận được từ thiên nhiên cái quyền điều khiển
người khác. Tự do là một món quà của trời đất và mỗi cá nhân của cùng một loài
có quyền được hưởng thụ điều đó ngay khi nào cá nhân ấy biết hưởng dụng lý trí
của mình. Nếu thiên nhiên có thiết lập một vài thế giá (autorité) thì đó là uy
quyền người cha; nhưng quyền người cha cũng phải có giới hạn, và trong tình
trạng tự nhiên uy quyền đó chấm dứt ngay khi mà những đứa con đến tuổi thành
niên (1). Mọi uy quyền khác đều đến từ nguồn gốc khác hơn là thiên nhiên. Nếu
chịu khảo sát kỹ, người ta sẽ luôn luôn ngược về đến một trong hai nguồn này:
hoặc là sức mạnh hay bạo lực của kẻ đã chiếm đoạt uy quyền, hoặc là sự thoả
thuận của những ai phục tùng nó bởi một khế ước được lập ra hay được mặc nhận
giữa họ và một người mà họ uỷ quyền.
Uy quyền chiếm đoạt bằng bạo lực chỉ là sự tiếm quyền và chỉ duy trì bao lâu mà
sức mạnh của kẻ cầm quyền áp đảo được sức mạnh của những kẻ phục tùng; đến
nỗi rằng nếu những kẻ này đến lượt họ lại trở thành những người mạnh nhất và
nếu họ lật đổ ách thống trị, thì họ thực hiện điều đó cùng với đầy đủ pháp quyền
và công lý như khi kẻ kia đã từng áp đặt cái đó lên họ. Như vậy, cùng một định
luật tạo ra quyền bính thì cũng chính định luật đó triệt tiêu quyền bính: đó là định
luật của kẻ mạnh nhất (la loi du plus fort) (2).