Các khái niệm ấy đều do thực nghiệm như tất cả mọi khái niệm khác; chúng cũng
đến với chúng ta từ các giác quan; nếu như chẳng có Thượng đế thì chúng ta vẫn
có các khái niệm ấy như thường; trong chúng ta, các khái niệm ấy có trước rất lâu
khái niệm về sự tồn tại của Thượng đế; chúng cũng hiển nhiên, cũng phân minh,
cũng rõ rệt, cũng có thật như các khái niệm về chiều dài, chiều rộng, chiều sâu,
khối lượng, số lượng; vì chúng có nguồn gốc từ các nhu cầu của chúng ta và sự
vận hành các năng lực của chúng ta, nên dù trên mặt trái đất này có dân tộc nào
đấy mà trong ngôn ngữ, các ý niệm ấy không có tên gọi, thì chúng vẫn cứ tồn tại
như thường trong các đầu óc một cách rộng hay hẹp, nông hay sâu, trên cơ sở ít
hoặc nhiều kinh nghiệm, được áp dụng vào ít hoặc nhiều thực thể; bởi lẽ đấy là
tất cả sự khác nhau có thể có giữa một dân tộc này với một dân tộc khác, giữa
một người này với một người khác trong cùng một dân tộc; và dù người ta sử
dụng các thuật ngữ cao siêu như thế nào để chỉ các khái niệm trừu tượng trật tự,
cân đối, tỷ lệ, hài hoà, nếu muốn người ta có thể gọi chúng là vĩnh hằng, nguyên
sơ, tối thượng, những quy tắc căn bản của cái đẹp, chúng đều đi qua các giác
quan của chúng ta để vào trong nhận thức của chúng ta, cũng như các khái niệm
hèn mọn nhất, và đó chỉ là những điều trừu tượng của trí tuệ chúng ta.
Nhưng việc vận hành những năng lực trí tuệ của chúng ta và sự cần thiết cung
cấp các phát minh, các máy móc v.v… cho những nhu cầu của chúng ta vừa phác
ra trong trí óc chúng ta những khái niệm trật tự, tương quan, cân đối, liên kết, sắp
xếp, đối xứng, là lập tức chúng ta thấy bao quanh mình những thực thể trong đó
vẫn những khái niệm ấy, có thể nói, được lặp lại đến vô cùng tận; chúng ta chẳng
thể đi một bước trong thế gian mà không gặp một sản phẩm nào đó làm thức dậy
những khái niệm ấy, chúng đi vào tâm hồn chúng ta bất cứ lúc nào và từ mọi
phía; tất cả những gì còn lại từ các thế kỷ đã trôi qua, tất cả những gì mà kỹ xảo,
sự suy nghĩ, các phát kiến của những người đương thời với ta sản sinh ra dưới
mắt ta, tiếp tục khắc sâu vào ta những khái niệm trật tự, tương quan, sắp xếp, đối
xứng, tương hợp, tương khắc v.v… và chẳng có một khái niệm nào, có lẽ chỉ trừ
khái niệm sự tồn tại, lại đã có thể trở thành quen thuộc với mọi người như khái
niệm ta đang bàn.
Nếu như trong khái niệm cái đẹp hoặc tuyệt đối, hoặc tương đối, hoặc bao quát,
hoặc riêng biệt chỉ thấy có các khái niệm trật tự, tương quan, cân đối, sắp xếp, đối
xứng, tương hợp, tương khắc; những khái niệm ấy không sinh ra tù một nguồn