TRIẾT HỌC TÂY PHƯƠNG TỪ KHỞI THỦY ĐẾN ĐƯƠNG ĐẠI - Trang 1065

những trường hợp cái đẹp nhất có thể được sử dụng trong các nghệ thuật mô
phỏng, mà đem so với số những trường hợp đành phải lựa chọn cái kém đẹp hơn,
thì cũng như đem so sánh một với vô tận.

3/ Mặc dù vẻ đẹp có mức tối đa, thực vậy, ở mỗi công trình của tự nhiên, được
xem xét trong bản thân nó; hoặc, tôi lấy một thí dụ, mặc dù bông hồng đẹp nhất
mà thiên nhiên nhiên sản sinh ra chẳng bao giờ cao to như một cây sồi, thế nhưng
chẳng có gì là đẹp, cũng chẳng có gì là xấu, ở các sản phẩm của nó, xem xét về
phương diện người ta có thể khai thác trong các nghệ thuật mô phỏng.

Tuỳ theo tính chất của một thực thể, tuỳ theo thực thể ấy khêu gợi trong chúng ta
nhận thức về nhiều tương quan hơn và tuỳ theo tính chất của những tương quan
nó khêu gợi lên mà thực thể ấy là xinh, đẹp, đẹp hơn, rất đẹp hoặc xấu, tầm
thường, nhỏ bé, lớn lao, cao siêu, trác tuyệt, thái quá, hài hước hoặc kỳ khôi; và
đi vào tất cả những chi tiết ấy sẽ là soạn một công trình rất lớn chứ không phải là
viết một mục từ của từ điển: chúng tôi chỉ cần nêu lên những nguyên tắc; chúng
tôi nhường lại cho bạn đọc các suy luận và áp dụng. Nhưng chúng tôi có thể quả
quyết với bạn đọc rằng dù bạn lấy các thí dụ trong tự nhiên hay mượn các thí dụ
của hội hoạ, đạo đức, kiến trúc, âm nhạc, bao giờ bạn cũng sẽ thấy bạn gọi tên là
cái đẹp thực tế tất cả những gì chứa đựng trong bản thân nó cái khơi gợi ý niệm
tương quan; và gọi tên là cái đẹp tương đối tất cả những gì khơi gợi dậy những
tương quan thích hợp với các thứ cần phải đem so sánh.

Denis DIDEROT, Bách khoa thư, Mục từ "Cái đẹp", Q.2, 1752.

VỀ VIỆC GIẢI THÍCH THIÊN NHIÊN (De L’Interprétation de la Nature)

Được soạn ra trong khoảng năm 1752 và 1754, giữa lúc đang biên soạn hai quyển
III và IV của bộ Bách khoa, những tư tưởng tản mạn này là tác phẩm cuối cùng
về triết học được Diderot xuất bản. Với giọng day dứt, ông trình bày trong đó
những quan điểm của mình về phương pháp khoa học, về những tương quan giữa
triết học thực nghiệm (quan sát, suy nghĩ, thí nghiệm) với triết học thuần lý, về
những kháng lực mà triết gia gặp phải trong xã hội. Trong đó ông đề xuất một
phác thảo duy vật về đà sinh thành của thiên nhiên (une esquisse matérialiste du
devenir de la nature).

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.