Denis DIDEROT, Nghịch lý về diễn viên (1770)
D’HOLBACH
(1723-1789)
Nguyên quán ở Palatinat, sinh viên ở đại học Leyde, Paul Henri Thiry, nam tước
D’Holbach sớm đến định cư tại Paris. Kết bạn với Diderot, ông dành trọn gia sản
và năng lực của mình để tranh đấu cho lý tưởng của nhóm khai sáng. Nhà ông
rộng mở cho nhóm Bách khoa đến ăn ở, làm việc. Ông tiếp đón Buffon, Galiani,
Beccaria, Marmontel, Helvétius, Garrick, Franklin, Priestley, Hume và một thời
gian, Rousseau.
Là người dịch nhiều công trình khoa học của Đức (luyện kim, địa chất, hoá học),
nhiều tác phẩm từ tiếng Anh (của Hobbes, Toland), viết nhiều mục từ cho bộ
Bách khoa thư, người phổ biến nhiều bài phúng văn bí mật chống tôn giáo, ông là
một trong những cột mốc của trào lưu tư tưởng của thế kỷ XVIII.
HỆ THỐNG THIÊN NHIÊN (Système de la Nature)
Xuất hiện dưới một biệt danh, bị đưa vào danh mục sách cấm, được in lại, được
dịch ra nhiều thứ tiếng, quyển sách này, trong thời đại của nó, là một trong những
quyển được đọc nhiều nhất. Người ta còn thấy ảnh hưởng của nó trên Goethe và
trên Shelley. Là tác phẩm nhằm mục đích giáo huấn, nhiều đoạn lặp lại, cho một
chủ nghĩa duy vật triệt để, quyển sách là chỗ hợp lưu những dòng chảy của nền
hoá học trước Lavoisier về những tương cảm (la chimie des affinités), nhất là của
Stahl, và một nền y học hữu cơ tự động, không linh hồn. Chủ nghĩa vô thần dứt
khoát của ông, chống lại giáo hội và nhân bản, bị các nhà thần học miệt thị, cả
những người theo quan điểm hữu thần tự nhiên (les déistes) như Voltaire, cũng
bài xích. Lập trường chống Descartes của ông khiến ông cách ly với chủ nghĩa
duy vật của La Mettrie. Đối với d’Holbach, sự truyền chuyển động từ một cơ thể
này đến một cơ thể khác cho phép bỏ qua giả thuyết về một nguyên nhân bên
ngoài nào đối với vật chất.
Thiên nhiên: một toàn thể luôn tác động (La nature, un tout perpétuellement
agissant)