3. Điểm gặp gỡ với những người theo Descartes-theo họ, yếu tính của vật chất có
tính kỷ hà (Xem Descartes: Những nguyên lý triết học, Q.II, ch.4)
Sinh vật: vật chất tự động - vật - hoá (le vivant: la matière s’animalise)
Năng lực tổng quát của thiên nhiên đủ để giải thích nguồn gốc phát sinh sự sống.
Cảm tính, một đặc tính chính yếu của sinh vật, thì hoặc là một phẩm chất phổ
quát của vật chất, nhưng chỉ hiển lộ nơi sinh vật, hoặc là một phẩm chất đặc thù
của sinh vật do phức tính nơi nó. Không hề có linh hồn, cũng chẳng có nguyên lý
sự sống phi vật chất. Sự sống chỉ là một khuếch trương phức tạp những đặc tính
của chuyển động của vật chất.
Cảm tính của óc não và cả mọi thành phần của nó là một sự kiện. Nếu người ta
hỏi đặc tính này đến từ đâu, chúng tôi sẽ nói rằng nó là kết quả của một sự thu
xếp, một sự phối hợp riêng của động vật (1) đến độ rằng một thứ vật chất thô
phác và vô cảm thôi không là thô phác nữa để trở thành khả cảm bằng cách tự
động vật hoá, nghĩa là bằng cách phối hợp và đồng hoá với động vật. Chính như
thế mà sữa, bánh mì và rượu vang biến thành dưỡng chất trong cơ thể người (2),
vốn là một sinh vật khả cảm; những chất thô phác này trở thành khả cảm khi phối
hợp với một toàn thể khả cảm. Một số triết gia nghĩ rằng cảm tính là một phẩm
chất phổ quát của vật chất (3), trong trường hợp này sẽ là vô ích để tìm kiếm từ
đâu tới đặc tính này mà chúng ta biết qua những hậu quả của nó. Nếu người ta
chấp nhận giả thuyết này, cũng như khi người ta phân biệt trong thiên nhiên hai
loại chuyển động, một loại được biết dưới cái tên lực linh hoạt (force vive) và
loại kia là lực bất hoạt (force morte) (4), người ta sẽ phân biệt hai loại cảm tính:
một chủ động và linh hoạt, và một trơ lì hay bất hoạt; và khi đó động vật hoá một
bản chất sẽ chỉ là phá huỷ những chướng ngại ngăn cản nó trở thành chủ động và
khả cảm. Tắt một lời cảm tính là, hoặc là một phẩm chất được truyền thông như
chuyển động và được thủ đắc bởi sự phối hợp, hoặc cảm tính là một phẩm chất
gắn liền với mọi vật chất; và trong trường hợp này hay trường hợp kia, thì một
hữu thể không trương độ, như người ta giả thiết tâm hồn là thế, không thể là chủ
thể của cảm tính được.
D’HOLBACH, Hệ thống thiên nhiên.