chính trị" (corps politique). Mỗi thành viên ở thế thụ động thì gọi cơ thể chính trị
đó là "Nhà nước", ở thế chủ động thì gọi nó là "quyền lực tối cao". Khi đối sánh
với đồng loại thì con người công cộng đó được gọi là "quyền lực". Về phần các
thành viên, họ lấy một tên chung là "dân chúng"; mỗi người riêng lẻ thì gọi là
"công dân"trong khi họ tham gia vào quyền lực tối cao; hoặc gọi là "thần dân"
trong khi họ phục tùng luật pháp Nhà nước.
Các từ ngữ về cách gọi như trên thường lẫn lộn với nhau, ta chỉ cần biết phân biệt
khi phải nói thật chính xác.
Jean Jacques ROUSSEAU, Về Khế ước xã hội, ph I, ch.5&6.
Chủ quyền tối cao là không thể từ bỏ/ bất khả chuyển nhượng (La souveraineté
est inaliénable)
Hệ quả đầu tiên và quan trọng nhất của các nguyên tắc được trình bày ở trên là: Ý
chí chung chỉ có thể đều khiển các lực lượng nhà nước theo mục đích của cơ thể
nhằm phục vụ lợi ích chung. Nếu như xã hội được lập ra vì có mâu thuẫn giữa
các lợi ích riêng, thì một khi các lợi ích riêng được hài hoà, xã hội mới có thể tồn
tại. Đó là do trong các lợi ích khác nhau vẫn có cái chung tạo thành mối liên hệ
xã hội. Nếu không có một điểm chung nào để cho các lợi ích được hài hoà với
nhau thì không một xã hội nào có thể tồn tại dựa trên lợi ích chung để cai quản xã
hội.
Vậy tôi nói: chủ quyền tối cao là sự thực hiện ý chí chung nên không thể tự nó từ
bỏ nó được. Cơ quan quyền lực tối cao là một con người tập thể, nên chỉ tự mình
nó đại biểu được cho nó mà thôi. Quyền hành thì có thể chuyển trao được lắm,
nhưng ý chí thì không.
Nếu ý chí cá nhân có thể nhất trí với ý chí chung trên một số điểm thì nó cũng
không thể nhất trí lâu dài và thường xuyên được; vì ý chí cá nhân, do bản chất
của nó, hướng về ưu tiên bản thân, còn ý chí chung lại hướng tới sự đồng đều
bình đẳng. Càng không thể bảo đảm cho sự nhất trí như thế, có bảo đảm chăng
nữa thì đó không phải là tác dụng của tài nghệ mà là tác dụng của ngẫu nhiên.