TRIẾT HỌC TÂY PHƯƠNG TỪ KHỞI THỦY ĐẾN ĐƯƠNG ĐẠI - Trang 1155

kết với "vật thể" để tìm "quảng tính" như cái gì gắn liền với nó mà chỉ phân tích
khái niệm"vật thể", nghĩa là tôi chỉ tự ý thức về cái đa tạp mà tôi lúc nào cũng suy
tưởng trong khái niệm ấy là tìm gặp ngay thuộc tính này ở trong nó; bởi vậy là
một phán đoán phân tích. Ngược lại, khi tôi nói: "Mọi vật thể đều nặng", thuộc
tính [hay vị ngữ]"nặng" là cái gì hoàn toàn khác với những gì tôi đã suy tưởng
trong khái niệm về "vật thể". Việc thêm vào một thuộc tính như thế mang lại một
phán đoán tổng hợp.

Những phán đoán kinh nghiệm (Erfahrungsurteile) đúng nghĩa, nhìn chung đều
có tính tổng hợp. Vì thật vô lý khi đặt một phán đoán phân tích trên cơ sở kinh
nghiệm, bởi tôi không được phép đi ra khỏi khái niệm của tôi để hình thành phán
đoán nên không cần đến bằng chứng nào của kinh nghiệm cho việc này cả."Một
vật thể là có quảng tính" là một mệnh đề đứng vững một cách tiên nghiệm chứ
không phải một phán đoán kinh nghiệm. Vì, trước khi tôi đi đến với kinh nghiệm,
tôi đã có mọi điều kiện cho phán đoán của tôi ngay bên trong khái niệm, từ đó tôi
có thể rút ra thuộc tính này theo nguyên tắc [logích] về mâu thuẫn là ý thức ngay
được tính tất yếu của phán đoán mà kinh nghiệm không bao giờ có thể dạy bảo
cho tôi được. Ngược lại, dù tôi chưa bao hàm thuộc tính "nặng" trong khái niệm
về một vật thể nói chung, khái niệm này vẫn biểu thị một đối tượng của kinh
nghiệm thông qua một bộ phận của kinh nghiệm, rồi [sau đó] tôi có thể đưa thêm
vào các bộ phận khác của kinh nghiệm như những gì cũng thuộc về bộ phận
trước. Trước đó, bằng cách phân tích, tôi đã có thể nhận thức khái niệm về"vật
thể" bằng các đặc điểm như quảng tính, tính không thể thâm nhập được, hình thể
v.v…vốn đã được suy tưởng trong khái niệm này. Bây giờ tôi mở rộng nhận thức
của tôi, và bằng cách nhìn trở lại kinh nghiệm từ đó tôi đã rút ra khái niệm"vật
thể", tôi thấy thuộc tính "nặng"bao giờ cũng gắn liền với các đặc điểm trước đây,
cho nên tôi bổ sung thêm đặc điểm "nặng" như một thuộc tính [mới] vào cho khái
niệm trên một cách tổng hợp. Vậy, bây giờ chính kinh nghiệm mới là cơ sở cho
khả thể của việc mở rộng thuộc tính "nặng" vào cho khái niệm"vật thể", vì lẽ cả
hai khái niệm, dù cái này không chứa đụng sẵn trong cái kia vẫn thuộc về nhau
như là các bộ phận của một toàn bộ, tức cũng là của kinh nghiệm vốn bản thân là
sự nối kết tổng hợp của các trực quan,dù sự nối kết này chỉ diễn ra một cách bất
tất [ngẫu nhiên, zufllig].

KANT, Phê phán lý tính thuần tuý, Lời dẫn nhập (ấn bản B).

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.