sự phân tích khái niệm "đường thẳng". Rõ ràng ở đây cần có sự trợ giúp của trực
quan, và chỉ nhờ nó, sự tổng hợp mới có thể có được.
Một số ít nguyên tắc, được các nhà hình học giả định tiên quyết như các tiền đề
[tiền giả định] (voraussetzen) đúng là có tính phân tích và dựa trên nguyên tắc
mâu thuẫn; nhưng chúng chỉ phục vụ như các mệnh đề đồng nhất cho chuỗi của
phương pháp chứ không như các nguyên tắc, v.d: a=a, cái toàn bộ là bằng với
chính nó, hoặc (a +b)>a, tức là cái toàn bộ là lớn hơn bộ phận của nó. Thế nhưng,
ngay các mệnh đề này tuy có giá trị là nhờ dựa vào các khái niệm đơn thuần,
nhưng sở dĩ được chấp nhận trong toán học cũng là vì chúng có thể được diễn tả
trong trực quan. Điều làm cho ta ngỡ rằng ở đây, thuộc tính của các phán đoán
hiển nhiên ấy vốn nằm sẵn trong khái niệm của ta nên phán đoán là có tính phân
tích, là do tính nước đôi (Zweideutigkeit) của thuật ngữ. Thật vậy, đối với một
khái niệm được cho, ta phải suy tưởng thêm (hinzudenken) một thuộc tính nào đó
vào cho nó và sự tất yếu này gắn chặt với các khái niệm. Nhưng vấn đề không
phải là những gì ta phải suy tưởng thêm vào cho khái niệm được cho, mà là
những gì ta đã thực sự suy tưởng ở bên trong nó, dù còn tối tăm [mù mờ], do đó,
ta thấy thuộc tính tuy thiết yếu gắn liền với khái niệm, nhưng không phải như
được suy tưởng ngay trong bản thân khái niệm mà là nhờ trực quan phải được
thêm vào cho khái niệm.
2. Khoa học tự nhiên (Vật lý học) cũng chứa đựng bên trong nó các phán đoán
tổng hợp tiên nghiệm như là các nguyên tắc. Tôi chỉ nêu một cặp mệnh đề làm ví
dụ, như: "Trong mọi biến đổi của thế giới vật thể, lượng của vật chất không biến
đổi" hay: "Trong mọi thông báo (Mitteilung) về vận động, tác động và phản tác
động bao giờ cũng phải bằng nhau". Nơi cả hai mệnh đề này, không chỉ tính tất
yếu, tức nguồn gốc tiên nghiệm mà cả việc chúng là những mệnh đề tổng hợp là
rất rõ ràng. Bởi vì, trong khái niệm về "vật chất", tôi không suy tưởng về tính
thường tồn (Beharrlich-keit) [tức không thay đổi về lượng] mà chỉ suy tưởng đơn
thuần về sự hiện diện của nó trong không gian do sự lấp đầy của nó. Vậy là tôi
thực sự đi ra ngoài khái niệm về "vật chất" để suy tưởng thêm cho nó một cái gì
tiên nghiệm mà tôi suy tưởng. Như thế, mệnh đề này không được suy tưởng một
cách phân tích, mà là tổng hợp, nhưng lại là tiên nghiệm, và những mệnh đề còn
lại là của phần thuần tuý trong khoa học tự nhiên cũng đều như vậy cả.