3. Siêu hình học - nếu ta xem nó đến nay cũng chỉ mới là một khoa học được thử
nghiệm (3), dù là một khoa học không thể thiếu được do bản tính tự nhiên của lý
tính con người đòi hỏi - ắt phải chứa đựng những nhận thức tổng hợp tiên
nghiệm. Nhiệm vụ của siêu hình học không phải là tháo rời và qua đó, giải thích
một cách phân tích những khái niệm mà ta đã tạo ra một cách tiên nghiệm về
những sự vật; trái lại, do mong muốn mở rộng các nhận thức tiên nghiệm, ta phải
sử dụng các nguyên tắc để thêm vào cho khái niệm được cho, những gì đã không
được chứa đựng sẵn trong nó, và bằng những suy tưởng tổng hợp tiên nghiệm, ta
đi rất xa ra khỏi những khái niệm mà bản thân kinh nghiệm cũng không thể theo
kịp, chẳng hạn trong mệnh đề: "Thế giới [vũ trụ] phải có một khởi điểm đầu tiên"
v.v…; như thế tức là ít nhất về mặt ý đồ, Siêu hình học bao gồm toàn những
mệnh đề tổng hợp tiên nghiệm.
KANT, Phê bình lý tính thuần tuý, Lời dẫn nhập, bản B.
1. "Các khoa học lý thuyết của lý tính" (theoretische Wissenschaften der
Vernunft): (có thể nói gọn là: các khoa học thuần lý) là các khoa học, theo Kant,
chỉ dựa vào lý tính chứ không (vd: Toán học) hoặc không hoàn toàn dựa vào kinh
nghiệm (vd: vật lý học).
2. Nguyên tắc mâu thuẫn (Satz des Widerspruchs; Latinh: principium
contradictionis): thật ra phải gọi là nguyên tắc loại trừ hoặc ngăn cấm mâu thuẫn.
Một trong các nguyên tắc cơ bản của Lôgích hình thức ("lôgích học phổ biến",
theo cách gọi của Kant)do Aristote nêu ra, theo đó các mệnh đề mâu thuẫn nhau
không thể cùng đúng; và thường được phát biểu như sau: "Cùng một thuộc tính
không thể đồng thời thuộc về và không thuộc về một đối tượng". (Sự phủ định
của A là sai, nếu bản thân A là đúng). Xem thêm ý kiến phê phán của Kant đối
với nguyên tắc này ở B190-193.
3. "Siêu hình học mới là một khoa học được thử nghiệm" [đang được tìm kiếm].
Vấn đề chủ yếu (1) của lý tính thuần tuý:
Như vậy các môn toán học và vật lý thuần tuý chứa đựng những phán đoán tổng
hợp tiên nghiệm. Đó là một sự kiện không thể bác bỏ, cần được giải thích và cần