xác định những điều kiện khả hữu; điều này trong mục đích trả lời câu hỏi xem
siêu hình học có thể có kỳ vọng tạo ra những phán đoán loại này hay không.
Người ta đã đạt được rất nhiều điều một khi có thể đưa một số lượng lớn các
nghiên cứu [riêng lẻ] vào trong công thức chung của một vấn đề duy nhất. Vì qua
đó, không chỉ tự làm cho công việc nghiên cứu của riêng mình được dễ dàng vì
xác định nó một cách chính xác, mà còn giúp cho bất cứ ai khác muốn kiểm tra
công việc cũng dễ đánh giá xem dự định đích thực (eigentlich) của lý tính thuần
tuý được chứa đựng trong câu hỏi [duy nhất] sau đây: LÀM SAO CÓ THỂ CÓ
ĐƯỢC NHỮNG PHÁN ĐOÁN TỔNG HỢP TIÊN NGHIỆM?
Sở dĩ môn Siêu hình học cho tới nay vẫn còn ở trong tình trạng bấp bênh của sự
thiếu vững chắc và đầy các mâu thuẫn là phải quy về cho nguyên nhân duy nhất
sau đây: người ta đã không sớm nhận ra vấn đề [chủ yếu] này và có lẽ cả sự khác
nhau giữa phán đoán phân tích và phán đoán tổng hợp. Sự đứng vững hay sụp đổ
của Siêu hình học là dựa trên việc giải quyết vấn đề này hay là, dựa trên chứng
minh thoả đáng rằng khả thể mà vấn đề này đòi hỏi [tức có các phán đoán tổng
hợp tiên nghiệm trong [Siêu hình học] là hoàn toàn không thể có được trong thực
tế. Trong số các triết gia, DAVID HUME là người đã tiến đến gần [việc giải
quyết] vấn đề này nhất, nhưng do ông không suy nghĩ về nó một cách chính xác
đúng mực cũng như trong tính phổ biến [toàn diện], nên đã chỉ dừng lại ở mệnh
đề tổng hợp về sự nối kết của kết quả với nguyên nhân (Principium causalitatis -
Latinh: nguyên tắc nhân quả), từ đó tin rằng một mệnh đề tiên nghiệm như thế là
hoàn toàn không thể có được; và theo các suy luận của ông, tất cả những gì ta gọi
là Siêu hình học rút cục chỉ là một ảo tưởng đơn thuần của nhận thức lý tính sai
lầm, vì [theo ông] thực ra những gì lý tính đã vay mượn từ trong kinh nghiệm thì
lại do thói quen, lý tính đã cho chúng mang vẻ ngoài của tính tất yếu. Ông chắc
hẳn không bao giờ đưa ra khẳng định có tính phá huỷ mọi triết học thuần tuý như
vậy, nếu ông xem xét vấn đề của chúng ta trong tính phổ biến của nó, bởi ông sẽ
nhận ra ngay rằng, theo lập luận của ông, cũng sẽ không thể có được môn toán
học thuần tuý, vì toán học chứa đựng các mệnh đề tổng hợp tiên nghiệm; và
chính trí tuệ sáng suốt của ông ắt sẽ ngăn cản ông trước một khẳng định như thế.
Giải quyết vấn đề trên đây cũng đồng thời bao hàm việc giải quyết khả thể của
việc sử dụng lý tính thuần tuý để đặt cơ sở và tiến hành mọi ngành khoa học khác