TRIẾT HỌC TÂY PHƯƠNG TỪ KHỞI THỦY ĐẾN ĐƯƠNG ĐẠI - Trang 1207

Tính phổ quát của luật mà theo đó các hiệu quả được tạo ra chính là cái làm nên
điều được gọi đúng là tự nhiên theo nghĩa tổng quát nhất (nghĩa là sự tồn tại của
các sự vật theo như chúng được quyết định bởi các luật phổ quát) (2). Vì vậy,
[qua loại suy], mệnh lệnh tuyệt đối về bổn phận có thể được diễn tả như sau: Hãy
hành động như thể nguyên tắc hành động của bạn được bạn muốn trở thành một
luật tự nhiên phổ quát.

Giả sử có điều gì đó mà sự tồn tại của nó tự nó có một giá trị tuyệt đối, một điều
gì mà, vì là một mục đích tự tại, có thể là một nguồn của các luật nhất định, thì
trong điều đó và chỉ trong điều đó mới có thể tìm thấy nguồn gốc của một mệnh
lệnh tuyệt đối, nghĩa là, một luật thực hành.

Vậy tôi nói: con người, và nói chung mọi hữu thể có lý trí, tồn tại như một mục
đích tự tại chứ không chỉ như là một phương tiện sử dụng bởi ý chí này hay ý chí
khác. Trong mọi hành động của nó, dù các hành động này liên quan đến người ấy
hay các người khác phải luôn luôn được coi như một mục đích. Mọi đối tượng
của các khuynh hướng chỉ có một giá trị có điều kiện; vì nếu các khuynh hướng
và ước muốn dựa trên chúng không tồn tại, thì đối tượng của chúng sẽ không có
giá trị. Nhưng là các khuynh hướng, vì là nguồn gốc của ước muốn, thì rất khó có
một giá trị tuyệt đối để đáng ước muốn, ngược lại, ước muốn phổ quát của mọi
hữu thể có lý trí phải được hoàn toàn giải thoát khỏi các khuynh hướng ấy. Như
vậy giá trị của mọi đối tượng mà hành động của chúng ta nhắm tới thì luôn luôn
là có điều kiện. Tuy nhiên, các hữu thể mà sự tồn tại của chúng không tuỳ thuộc ý
muốn của chúng ta nhưng tuỳ thuộc ý muốn của thiên nhiên, nếu chúng không
phải là hữu thể có lý trí, thì chỉ có một giá trị tương đối như là phương tiện và vì
thế được gọi là các sự vật, ngược lại, các hữu thể có lý trí được gọi là con người
cho thấy họ là những mục đích tự tại, nghĩa là không được sử dụng như chỉ là
phương tiện. Vì vậy đây không phải là các mục đích chủ quan mà sự tồn tại của
chúng có một giá trị cho chúng ta như một hiệu quả của hành động, nhưng là các
mục đích khách quan, nghĩa là sự tồn tại của chúng là một mục đích tự tại - hơn
nữa, là mục đích mà không gì khác có thể thay thế nó, nếu không, sẽ chẳng có gì
có thể có giá trị tuyệt đối; nhưng nếu mọi giá trị đều là có điều kiện và tuỳ thuộc,
thì sẽ không thể có một nguyên tắc thực hành tối thượng của lý trí nào cả.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.