không muốn rơi vào trùng phức luận (1) và thay vì trình bày một giải pháp tổng
quát, lại quy chiếu đến các luật lệ của một xứ sở nào đấy, vào một thời kỳ nào
đấy. Hẳn là ông có thể nói cái gì là chiếu theo luật (quid sit iuris) nghĩa là các luật
lệ nói cái gì hay đã nói thế nào, vào một nơi chốn nào đấy, ở một thời kỳ nào đấy.
Nhưng vấn đề tìm hiểu xem những gì mà các luật lệ quy định có đúng là công
chính hay không và vấn đề tìm hiểu xem đâu là tiêu chuẩn phổ quát qua đó người
ta có thể nhận ra điều công chính (2) và điều bất công (iustus et iniustus) sẽ vẫn
còn mù mờ đối với ông ta, nếu ông ta không bỏ qua, trong một thời gian, những
ngyuên lý kinh nghiệm và không đi tìm cỗi nguồn của những phán đoán này
trong lý tính đơn thuần (mặc dầu các luật lệ này phục vụ cho ông ta một cách rất
tuyệt như là sợi chỉ dẫn đường), nhằm thiết lập nền tảng cho một sự lập pháp duy
nghiệm khả thi. Một khoa học pháp quyền mà chỉ đơn thuần có tính duy nghiệm
(giống như cái đầu bằng gỗ trong ngụ ngôn về Phèdre) là một cái đầu có thể là
đẹp, song chỉ tội cái là chẳng có tí óc não nào bên trong!
Ý niệm pháp quyền, trong mức độ mà nó quy về một nghĩa vụ tương ứng với nó
(nghĩa là ý niệm đức lý của nghĩa vụ), thứ nhất là chỉ liên quan đến mối quan hệ
bên ngoài, và nói đúng ra, có tính thực hành, từ người này đến người kia, trong
mức độ mà những hành động của họ, trong tính cách là những sự kiện, có thể có
(trực tiếp hay gián tiếp) một ảnh hưởng hỗ tương (3). Nhưng thứ nhì là nó không
có nghĩa tương quan từ ý chí đến ước muốn (do vậy đến nhu cầu đơn thuần) của
người khác, như trong những hành động tốt lành hay tàn ác nhưng chỉ đến ý chí
của người khác (4). Thứ ba là: trong cái quan hệ hỗ tương của ý chí người ta
không xem xét chất thể của ý chí, nghĩa là cứu cánh mà mỗi một người có thể tự
đề xuất cho chính mình liên quan đến đối tượng mà anh ta muốn - chẳng hạn
người ta không hỏi liệu trong số hàng hoá mà anh ta mua của tôi cho việc buôn
bán riêng của anh ta, có người nào cũng sẽ tìm được lợi lộc hay trái lại, nhưng
người ta chỉ tự hỏi về mô thể của tương quan giữa hai ý chí đối với nhau, trong
mức độ mà họ được coi là tự do và nếu, trong khi thực hiện điều đó, hành động
của một trong hai người có thể hoà hợp với tự do của người kia theo một luật phổ
quát (5) hay không?
Như vậy pháp quyền là toàn bộ những điều kiện qua đó ý chí của một người có
thể hợp nhất với ý chí của người kia theo một quy luật phổ quát của tự do (6).