chính trong cái này đây - trong từ ngữ - mà người ta phải tìm thấy sự vật và sự vật
mới thực sự trở thành khả tri. Vậy mà, vì sự song trùng này, dành ưu tiên cho cái
thứ nhì trên cái thứ nhất, tỏ ra phù hợp với giác tính, mà không phù lợp với lý
tính, thế là người ta tuyên bố rằng lý tính không đủ uy lực để nắm vững quyền
trượng nơi vương quốc khoa học thực sự; người ta trao lại quyền trượng cho giác
tính, nhưng tuy nhiên - điều thật lạ lùng - người ta vẫn để vương tước và vương
miện cho lý tính. Để chỉ những người duy lý dị kiến trong thực tế, những bề tôi
trung thành của lý tính nguyên thuỷ đích thực, thì những công thần của triều đại
mới - những nhà duy lý chỉ trên danh nghĩa - bèn phát minh ra cái hỗn danh: các
triết gia của cảm thức hay các triết gia của trái tim (4)… Sinh ra trong nhà
Aristote, sự lầm lạc này từ đó đã mang lấy - trong những trường phái triết học kế
tiếp nhau - những hình dáng rất khác nhau cho đến khi Kant xiềng Protée (5) lại
và buộc vị thần này phải hiện ra dưới hình dạng thực của mình. Chính bằng cách
khó hiểu mà người cách tân vĩ đại này gần đây đã nhiều lần bị kết tội là đã đặt lý
tính lên trên giác tính và làm cho triết học lộn tùng phèo và gây ra tình trạng rối
tung rối mù về ngôn ngữ, chẳng khác nào nơi cái tháp Babel. Chính ra điều
ngược lại mới là đúng. Tình trạng rối loạn ngôn ngữ đã có từ trước đó và do ở
chỗ người ta thực ra chỉ xây dựng giác tính trên cảm tính mà thôi, phù hợp với
khẳng định của Aristote: nihil est in intellectu, quod non antea fuerit in sensu (6);
nhưng chẳng vì thế mà người ta lại không kỳ vọng có thể thủ đắc một tri thức về
những vật siêu khả giác, đơn giản bằng cách tiếp tục trừu xuất, suy tư và đảo lộn
mọi chuyện nháo nhào cả lên. Cái năng lực nâng những tri thức khả giác, mà
không thêm gì vào đó cả, lên hàng tri thức siêu khả giác, người ta gọi đó là lý tính
và người ta chủ trương rằng theo lý tính này, với nó và nhờ nó, người ta thực sự
đạt đến chân lý tự thân và người ta sẽ thủ đắc một khoa học chắc chắn. Kant xuất
hiện, thăm dò cái tháp Babel kia và khẳng định chắc nịch rằng nó không thể nào
cho phép đạt tới đỉnh cao xuyên qua tầng mây cảm tính để chạm đến cái gì ở bên
kia hiện tượng. Hoặc là, không dùng hình ảnh ví von nào, ông chỉ thẳng ra cái mà
người ta cho là tri thức về cái siêu khả giác chỉ là những ý tưởng được tạo thành
bằng những phủ định mà tính hiện hữu khách quan vẫn luôn nằm trong tình trạng
không thể chứng minh (7). Thế thì sao nào? Nếu như sau những giải thích và
những chứng minh của Kant, người ta hoàn toàn không thể đạt đến một tri thức
thực sự và hiệu quả về chân lý tự thân làm nền tảng cho những hiện tượng, thì
học thuyết của Kant cũng như của Aristote, nói theo lôgích chặt chẽ, sẽ chẳng